Hồi đó, bố mẹ Thế Anh còn công tác ở Cao Bằng. Ông Nguyễn Xuân Tân, bố Thế Anh là một công nhân kỹ thuật với nhiệm vụ đi dây, dựng cột, đưa sóng điện thoại về cho người dân. Ngày đó, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, anh em công nhân chưa có đầy đủ trang phục bảo hộ lao động như bây giờ, nên mỗi khi trèo cột, kéo cáp, ông Tân thường bỏ dép dắt sau lưng, đi chân trần cho tiện. Xong việc, ông trở về nhà với nguyên hình ảnh đôi dép dắt sau lưng ấy.
Mỗi khi thấy ông Tân về, các chú ở cùng khu tập thể lại gọi mẹ Thế Anh: “Chân giò, có chân giò về rồi”. Trong tiềm thức của một đứa trẻ chỉ khoảng chục tuổi đầu như Thế Anh lúc đó, lại ở thời bao cấp, chân giò là một món ăn cực kỳ xa xỉ. Vì thế, tiếng reo của các chú trong khu tập thể khiến cậu bé Thế Anh khấp khởi vì tưởng được ăn một bữa “tươi”. Nhưng rồi Thế Anh lại sớm tưng hửng khi nhận ra cái chân giò mơ ước kia thực ra chỉ là đôi dép của bố. Mãi rồi thành quen, cứ khi nào các chú reo “chân giò về” là Thế Anh biết bố đã về. Mà bố về là mang theo những câu chuyện hấp dẫn trên đường đi dây, dựng cột. Những câu chuyện nghề nghiệp ấy cứ thế thấm dần, thấm dần vào mấy anh em Thế Anh. Sau này, ông Tân chuyển công tác về Trung tâm Viễn thông Mỹ Đức, thuộc VNPT Hà Tây. Ba anh em nhà Thế Anh lại càng hiểu về nghề của bố.
Năm 1997, tốt nghiệp Trung cấp BCVT, Thế Anh về công tác tại TTVT Mỹ Đức, cơ quan của bố, rồi sau này chuyển sang TTVT Ứng Hòa. Hai người em của Thế Anh cũng lần lượt đầu quân là kỹ thuật viên viễn thông cho TTVT Ứng Hòa và Mỹ Đức. Thế Anh tâm sự, dường như tình yêu nghề lúc nào cũng “cháy” trong bố. Cho đến bây giờ, khi đã về hưu rồi, ông vẫn thường xuyên nhắc nhở anh em Thế Anh: “Thời của bố vất vả hơn vì kinh tế khó khăn vừa phải đảm bảo thông tin liên lạc, vừa chú trọng gây dựng hạ tầng viễn thông. Bây giờ, anh em kỹ thuật có rất nhiều điều kiện để phát triển, mấy anh em phải cố gắng phấn đấu nâng cao trình độ, làm cho tốt những công việc được giao”.
Không phụ lòng bố, Thế Anh nỗ lực từng ngày. Không chỉ học hỏi kinh nghiệm từ bố, Thế Anh còn chăm chỉ tự trau dồi thêm kiến thức về công nghệ, kỹ năng về nghề. Anh đã được tín nhiệm, được giao là Tổ trưởng Tổ Viễn thông Vân Đình. 5 năm liền, Thế Anh được bầu là Chiến sĩ thi đua cơ sở. Năm 2013, Thế Anh đoạt giải Nhất Hội thi Hàn nối cáp quang giỏi của Công ty Điện thoại 3, VNPT Hà Nội. Năm 2014, Thế Anh được tôn vinh là 1 trong 83 điển hình kỹ thuật giỏi trong phong trào “Kỹ thuật giỏi” của Tập đoàn.
Nói về Thế Anh, Trưởng TTVT Ứng Hòa Ngô Kim Hải không khỏi tự hào: “TTVT Ứng Hòa có 5 Tổ Viễn thông mà 5 người được như Thế Anh là yên tâm. Ở đây, không có chuyện hết giờ là về. Thế Anh và các anh em khác thường không quản ngại nắng mưa, vất vả, từng ngày từng giờ bám dây, bám máy. Ngoài tinh thần trách nhiệm, năng nổ nhiệt tình, Thế Anh còn có những tham mưu hiệu quả trong công việc”.
Thành tích là vậy nhưng Thế Anh không biết nói nhiều về mình. Gặp lại anh vội vã trong ngày tôn vinh các điển hình kinh doanh và kỹ thuật giỏi của Tập đoàn ở Hà Nội, Thế Anh cười hiền: “Tất cả là nhờ đôi dép. Ngày xưa bố chân trần làm việc mà vẫn yêu nghề đến vậy, giờ mình đầy đủ thế này, chả có lý do gì mà không tận tâm tận lực cho công việc”. Với Thế Anh, yêu nghề là phải nỗ lực. Vậy thôi…