|
MobiFone đang ráo riết đầu tư công nghệ mới như GPRS hay EDGE vào mạng lưới để tăng cường chất lượng và kích cầu dịch vụ di động tốc độ cao. Động thái này cho thấy MobiFone quyết tâm khẳng định ví trí hàng đầu của mình trên thị trường thông tin di động.
Tiên phong trong công nghệ GPRS và EDGE
Ngày 4/2/2007, MobiFone đã chính thức công bố việc triển khai thành công công nghệ truyền dữ liệu tốc độ tại EDGE trên toàn mạng MobiFone với tốc độ 384Kb/s, gần ngang với tốc độ ADSL của mạng cố định. Công nghệ EDGE đã được áp dụng thử nghiệm tại TP.HCM trong vòng vài tháng trở lại đây.
Vào thời điểm hiện tại, MobiFone cũng đã hoàn tất các điều kiện về kỹ thuật để chính thức cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu tốc độ cao (tương đương ADSL) vào đầu quý II năm 2008. Với việc triển khai thành công công nghệ này, MobiFone trở thành mạng GSM đầu tiên tại Việt Nam có tốc độ truyền dữ liệu tương đương với ADSL. Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc MobiFone cho biết, Đến hết năm 2008, MobiFone sẽ đầu tư công nghệ EDGE đủ đáp ứng cho khoảng 14 triệu khách hàng sử dụng. Đây cũng là bước đệm để mạng MobiFone tiến lên 3G khi được cấp phép.
Cũng nhân dịp này, MobiFone chính thức công bố việc phủ sóng GPRS trên toàn quốc với dung lượng mạng lưới cho phép đáp ứng tới 2,8 triệu khách hàng sử dụng GPRS đồng thời. Cùng với việc thử nghiệm thành công công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao EGDE, vào đầu năm 2008, MobiFone cũng sẽ chính thức trở thành mạng di động đầu tiên và duy nhất hiện nay tại Việt Nam có thể truy cập GPRS tốc độ cao trên toàn quốc.
Ông Lê Ngọc Minh cho rằng, việc đầu tư các công nghệ mới vào mạng lưới nhằm mục đích kích cầu khách hàng sử dụng các dịch vụ nội dung trên mạng di động. Bởi khi đưa các công nghệ mới như GPRS hay EDGE có tốc độ truyền dẫn cao sẽ có thể cung cấp nhiều dịch vụ cần băng thông rộng như xem phim, nghe nhạc, tải dữ liệu.. theo yêu cầu.
Trong tương lai, khi dịch vụ thoại trở thành phổ biến và khó cạnh tranh thì các dịch vụ giá trị gia tăng sẽ là dịch vụ mà các nhà khai thác mạng di động dùng để khẳng định đẳng cấp và vị trí của mình. "Hiện các dịch vụ giá trị gia tăng mới chỉ chiếm 15% tổng doanh thu của mạng MobiFone. Thế nhưng, trong vòng 2- 3 năm tới dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động sẽ bùng nổ. Lúc đó MobiFone đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đón đầu nhu cầu của thị trường này" ông Lê Ngọc Minh nói.
Công nghệ khẳng định chất lượng vùng phủ sóng
Có thể gọi năm 2007 là một năm của cuộc chạy đua "trồng" trạm thu phát sóng (BTS) của các mạng di động GSM. Chỉ trong vòng 1 năm số lượng trạm BTS của tất cả các mạng như MobiFone, Viettel, VinaPhone đều tăng đột biến. Cũng chính nhờ việc đầu tư nhanh, mạnh cho mạng lưới nên các mạng di động đều có sự chuẩn bị cho sự phát triển cực nhanh của thuê bao. Thế nhưng, trong cuộc chạy đua đầu tư cho mạng lưới này, giữa các mạng di động có sự khác biệt nhau đáng kể.
Nếu như Viettel việc ào ạt "trồng" trạm BTS tại khắp mọi nơi thì MobiFone lại là sự đẩy nhanh tiến độ lắp đặt các trạm BTS một cách có hệ thống trên toàn quốc. Đi kèm với việc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, việc đo kiểm chất lượng lắp đặt các trạm BTS của MobiFone vẫn được thực hiện rất kỹ lưỡng.
Không chỉ dừng lại ở đó, các công nghệ mới như AMR (Adaptive Multi Rate), Synthesizer (công nghệ nhảy tần nhóm), công nghệ truyền dữ liệu tốc độ cao (EGDE)... cũng đồng thời được MobiFone áp dụng thành công đồng thời với việc đẩy nhanh tiến độ lắp đặt BTS. Cũng chính vì thực hiện bài bản, chuyên nghiệp đồng thời áp dụng nhiều công nghệ mới cho đầu tư mạng lưới, trong nửa đầu năm 2007, MobiFone không đạt được tốc độ số 1 về lắp đặt BTS trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cũng chính nhờ sự đầu tư bài bản thì sau một thời gian, tốc độ đầu tư của MobiFone được đẩy nhanh đến mức chóng mặt và vào cuối năm 2007, số lượng trạm BTS của MobiFone và Viettel về cơ bản là như nhau (khoảng gần 7.000 trạm).
Thế nhưng, trên thực tế, cùng lắp một số lượng như nhau các trạm BTS trên cùng một diện tích nhưng mạng di động nào tối ưu hoá mạng lưới tốt hơn và áp dụng các công nghệ mới nhanh hơn, chuẩn hơn thì chất lượng sóng, chất lượng cuộc gọi sẽ tốt hơn.
Các mạng di động nào lắp đặt nhiều trạm BTS nhưng tối ưu hoá mạng lưới không tốt, không đưa các công nghệ mới vào khai thác thì trong nhiều trường hợp sóng di động sẽ không ổn định, thậm chí có đầy sóng nhưng gọi lại không được. Điều này lý giải vì sao có mạng di động vẫn trồng rất nhiều BTS nhưng vẫn bị khách hàng kêu ca, phàn nàn về chất lượng sóng di động (có sóng nhưng lại không gọi, không nghe được) hay chất lượng cuộc gọi bị nhiễu.
Trước khi có việc công khai kết quả đo kiểm chất lượng mạng di động, mạng nào tự quảng cáo là có nhiều trạm BTS nhất thì dường như có vẻ là có chất lượng tốt nhất. Thế nhưng, điều này lại rất mâu thuẫn với các cảm nhận của khách hàng khi sử dụng dịch vụ bởi họ không có cảm giác đúng như những gì quảng cáo.
Tuy nhiên, khi Cục quản lý Chất lượng BCVT - CNTT của Bộ Thông tin truyền thông công bố công khai kết quả đo kiểm chất lượng của các mạng di động thì khách hàng đã biết rõ về thực chất của từng mạng di động. Theo kết quả này, các chỉ tiêu quan trọng với kết quả đứng đầu đều thuộc về MobiFone.
Đặc biệt, chất lượng thoại của MobiFone đạt tới 3,576 điểm - điểm thoại tương đương với chất lượng thoại của mạng điện thoại cố định, điều mà chưa một mạng di động nào tại Việt Nam có thể làm được.
Vào thời điểm cuối năm, khi các mạng di động bắt đầu hoàn thành các kế hoạch lắp đặt trạm BTS, số lượng các trạm BTS ở một số mạng như MobiFone và Viettel đã trở nên tương đương nhau thì việc khẳng định chất lượng tại các "điểm nóng" như các thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh lại càng trở nên nóng hơn. Điều thú vị là tại các địa điểm này, số lượng các trạm BTS của các mạng gần như không thể tăng thêm bởi đã đạt tới mức gần như tối đa.
Chính vào thời điểm này, MobiFone đã công bố việc áp dụng thành công công nghệ nhảy tần tổng hợp (Synthesizer Hopping) của Ericsson như là 1 giải pháp để bảo đảm chất lượng đối với những khu vực tập trung thuê bao cao (Hà Nội và Hồ Chí Minh).
Giải pháp này cùng với dịch vụ tối ưu hóa mạng vô tuyến mà Ericsson cung cấp cho các nhà khai thác đã giúp họ đạt được chất lượng dẫn đầu so với các nhà khai thác khác.
Trong quá trình thực hiện cuộc gọi, một chuỗi tín hiệu (burst) rất dễ bị mất khi chuỗi tín hiệu đó nằm trong vùng trũng của pha đinh (vùng cường độ tín hiệu yếu) tại một tần số nào đó hoặc bị nhiễu. Nếu tín hiệu tiếp theo được gửi trên một tần số khác, sẽ có một xác suất cao chuỗi tín hiệu hiệu này được thu thành công. Đây chính là nguyên tắc cơ bản của phương pháp Nhảy tần.
Quá trình mã hóa (coding) và chèn tín hiệu (interleaving) trong GSM sẽ làm giảm tác động của việc mất mát thông tin đối với chất lượng thoại của một chuỗi tín hiệu. Đối với người dùng, nói chung, Nhảy tần cải thiện chất lượng thoại một cách rõ rệt.
Đối với nhà khai thác, Nhảy tần đem lại các lợi ích sau: Khả năng tái sử dụng tần số cao, nâng cao dung lượng mạng lưới. Cải thiện chất lượng mạng lưới. Cho khả năng cung cấp chất lượng thoại đồng đều đối với tất cả các thuê bao.
Như vậy, công nghệ Nhẩy tần cho phép MobiFone tối ưu hoá chất lượng mạng lưới, đưa chất lượng sóng, chất lượng thoại lên một đẳng cấp mới khi mà số trạm BTS đã không thể lắp thêm được nữa.
Với diễn biến mới này, cuộc chạy đua "trồng" trạm BTS đã không còn dừng ở mức độ số lượng nữa. Khách hàng sẽ chọn ai khi mà số lượng như nhau còn chất lượng mạng lưới thì một mạng tốt hơn?
(Nguồn tin: Theo xahoithongtin)
|
|