Theo đó, tất cả các đường truyền kết nối dịch vụ Truyền hình hội nghị (THHN), Internet, quang trắng nội bộ trong khu vực sẽ diễn ra lễ khai trương và các điểm trải nghiệm hệ thống CSDLQG đều đã được thi công và bàn giao đúng tiến độ. Ngoài ra, VNPT Hà Nội còn phối hợp với VNPT Net, VNPT Vinaphone đảm bảo lắp đặt, cấu hình kết nối và vận hành thiết bị THHN, trực kỹ thuật trong suốt các phiên họp để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các yêu cầu đột xuất khác của đơn vị điều hành cầu THHN.
Đã nhiều lần vinh dự được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho các sự kiện lớn trên địa bàn Thủ đô nhưng với lễ khai trương hệ thống CSDLQG về dân cư, tất cả anh chị em khối kỹ thuật viễn thông đi phục vụ đều cảm nhận được trách nhiệm xen lẫn tự hào riêng, bởi VNPT có vai trò là đối tác chủ trì về công nghệ trong dự án này. Được biết, đây là một trong sáu CSLDQG quan trọng nhất để xây dựng chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số tại Việt nam, đồng thời là nền tảng cung cấp dữ liệu cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác trong đó có hệ thống sản xuất cấp và quản lý CCCD.
Để phục vụ dự án này, Tập đoàn VNPT đã huy động 780 giảng viên nội bộ tiến hành đào tạo cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội từ Trung ương đến địa phương, trong đó riêng địa bàn Hà Nội đã tổ chức tới 30 lớp học liên tục từ cuối năm 2020 đến nay, đào tạo được 1255 lượt học viên. VNPT đã phát triển 13 phần mềm cho hệ thống CSDLQG về dân cư và tính đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành việc tổ chức đào tạo sử dụng 8 phần mềm ứng dụng.