|
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 04/TT-BTTTT nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước.
Theo đó về phía khách hàng: Nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư nhân dân (CMND)/hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao; không được sử dụng sim đa năng để đăng ký/thay đổi thông tin; hạn chế tình trạng mua bán, kích hoạt, lưu thông trên thị trường sim kích hoạt sẵn.
Chỉ được phép sử dụng CMND/hộ chiếu để đăng ký thông tin thuê bao, không chấp nhận dùng chứng minh thư công an, chứng minh thư quân đội để đăng ký. Một (01) CMND đại diện cho cơ quan tổ chức chỉ được phép đăng ký tối đa 100 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng di động. Cấm sử dụng CMND/hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao, trừ trường hợp áp dụng đối với người dưới 14 tuổi (chưa có CMND hoặc hộ chiếu). Trường hợp này phải có Bố/Mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký khi đăng ký; người giám hộ được hiểu là Bố/Mẹ đứng tên thêm 01 số điện thoại di động nữa, tối đa mỗi cá nhân chỉ được phép đăng ký 03 số di động của một mạng thông tin di động.
Thuê bao di động trả trước có thể sử dụng đầu số 1414 để tự kiểm tra thông tin, nếu phát hiện sai sót, lỗi thì có thể đăng ký lại.
Về phía nhà mạng: Khi thực hiện đăng ký thông tin cho khách hàng, các Giao dịch viên, chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao trả trước phải cập nhật thông tin khách hàng đầy đầy đủ có dấu tiếng việt trên hệ thống.
Khi tiếp nhận đăng ký thông tin thuê bao, nhân viên giao dịch phải yêu cầu chủ thuê bao cung cấp bản sao CMND/hộ chiếu để lưu giữ, có bản gốc để đối chiếu; sao (photocopy) hoặc quét (scan) lại CMND/hộ chiếu (đối với các điểm đăng ký thông tin thuê bao tại các phường thuộc các quận, thị xã); kiểm tra và đối chiếu với thông tin trong “Bản khai thông tin di động trả trước”.
Cấm sử dụng dịch vụ nhắn tin, điện thoại, Fax, Sim đa năng để đăng ký thông tin cá nhân cho thuê bao, truyền thông tin về doanh nghiệp di động; cấm tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao di động trả trước trái pháp luật. Cấm kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chính chủ thuê bao chưa thực hiện việc đăng ký thông tin theo quy định.
Bên cạnh việc quy định về đối tượng áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động và người sử dụng dịch vụ, Thông tư còn bổ sung thêm đối tượng là Đại lý phân phối Sim thuê bao (vừa làm chủ điểm giao dịch ủy quyền vừa làm kênh phân phối Sim). Thông tin 04/TT-BTTTT cũng quy định rõ ràng về điều kiện tối thiểu đối với điểm đăng ký thông tin, các trang thiết bị cần thiết.
Căn cứ thông tư 04/TT-BTTTT, VNPT Hà Nội xin thông báo quy định về điều kiện làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước Vinaphone trên đia bàn Hà Nội như sau:
Điểm đăng ký thuê bao trả trước phải có địa điểm cố định, địa chỉ cụ thể rõ ràng; Riêng đối với các chương trình tổ chức theo hình thức điểm bán hàng lưu động (xe/quầy/cộng tác viên bán hàng lưu động/…) vẫn tiếp tục thực hiện đăng ký TTTB trả trước bằng máy tính thông qua internet tại các điểm bán hàng này tương tự như thực hiện tại các điểm bán hàng cố định.
Đối với phường thuộc quận/huyện/thị xã của TP Hà Nội: Có khu vực dành riêng tối thiểu 20m2 để làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Đối với các xã thuộc huyện: Có khu vực dành riêng tối thiểu 10m2 để làm điểm đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước. Khu vực dành riêng ở đây được hiểu là không gian bao gồm cả phần diện tích mặt sàn giao dịch các dịch vụ viễn thông – CNTT, có vị trí đặt bàn giao dịch, trang thiết bị cần thiết, lối đi, hành lang, khu vệ sinh…).
Có biển hiệu điểm đăng ký TTTB trả trước, các mẫu ấn phẩm liên quan, niêm yết quy trình, thủ tục đăng ký TTTB VinaPhone theo mẫu do VNP quy định.
|
|