Tại Hội nghị triển khai truyền dẫn phát sóng chương trình truyền hình địa phương tại khu vực đồng bằng Sông Hồng, tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 6/10/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đã nhất trí với đề xuất của UBND TP Hà Nội liên quan đến việc triển khai mua sắm đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn Hà Nội.
Trước đây, tại buổi làm việc mới đây về triển khai Đề án số hóa truyền hình hôm 19/9, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn chỉ đạo sẽ triển khai kế hoạch hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho người nghèo với đối tượng được mở rộng tối đa, bao gồm các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn.
Trong đó, nhà nước sẽ chi ngân sách trung ương (từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích) để mua sắm đầu thu DVB-T2 cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương. Còn UBND TP Hà Nội sẽ chi từ ngân sách địa phương để mua đầu thu DVB-T2 cho các đối tượng khác theo chuẩn riêng của TP Hà Nội.
Ông Lê Hồng Sơn khẳng định, Hà Nội đã có kế hoạch và sẽ thực hiện đúng theo kế hoạch đã ban hành là hỗ trợ đầu thu cho tất cả các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn, không phân biệt chuẩn Trung ương hay địa phương. Theo số liệu tạm tính có khoảng 107.357 hộ gia đình sẽ được nhà nước trợ cấp đầu thu, nhưng nhiều khả năng con số này còn tăng hơn nữa khi Hà Nội mở rộng thêm đối tượng được trợ cấp.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ phần kinh phí mua đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương cho Hà Nội bằng tiền (không phải bằng đầu thu như đã thực hiện đối với Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam-PV). Lý do là Hà Nội quyết tâm sẽ triển khai xong việc trợ cấp đầu thu trong tháng 12/2015, trước ngày tắt sóng analog là 31/12/2015. Do đó, thành phố sẽ ứng vốn trước để mua đầu thu hỗ trợ cho tất các các hộ trong đối tượng cần hỗ trợ, nếu đợi Trung ương tổ chức mua đầu thu để cấp phát sẽ không còn kịp thời gian.
Mới đây, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, Bộ TT&TT nhất trí với ý kiến này và yêu cầu, UBND TP Hà Nội cần có văn bản gửi Bộ TT&TT, từ đó Bộ TT&TT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để có một cơ chế chung.
Theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, rút kinh nghiệm từ việc triển khai hỗ trợ đầu thu DVB-T2 tại Đà Nẵng, ngân sách trung ương mua đầu thu hỗ trợ cho 745 hộ, Đà Nẵng tự chi ngân sách để mua đầu thu hỗ trợ hơn 5.000 hộ. Việc có hai cơ quan đứng ra tổ chức đầu thầu dẫn đến kết quả mỗi đơn vị mua một loại đầu thu, với mức giá cả khác nhau. Khi triển khai lắp đặt đã dẫn đến việc, có những nơi hai hộ liền nhau cùng được hỗ trợ, nhưng hai loại thiết bị khác nhau, chế độ bảo hành khác nhau. Điều này ít nhiều gây ra những phức tạp không cần thiết.
“Hà Nội cũng có chuẩn nghèo riêng như Đà Nẵng, Hà Nội lại có chủ trương hỗ trợ đầu thu cho các đối tượng mở rộng hơn, trang bị cả tivi cho người nghèo chưa có tivi. Do đó, Bộ TT&TT nhất trí với đề nghị sẽ để Hà Nội đứng ra tổ chức mua sắm toàn bộ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương, Bộ TT&TT sẽ cấp kinh phí trả về cho Hà Nội. Việc hỗ trợ quan trọng nhất là phải được tổ chức êm xuôi, có lợi nhất cho người dân nghèo”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Hồng Sơn còn đề nghị, Bộ TT&TT nên chọn một công ty uy tín giao cho nhiệm vụ cung cấp đầu thu, nhiệm vụ bảo hành cho bà con. Bởi nếu đầu thu cấp về mà chất lượng không tốt, nếu hỏng hóc không kịp bảo hành, bà con sẽ bỏ đi không dùng nữa, rất lãng phí.
Từ 1/1/2016, Hải Phòng cũng sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog như Hà Nội. Do đó, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, nếu Hải Phòng cũng muốn tự mua sắm đầu thu như Hà Nội thì cần có văn bản gửi lên, để Bộ TT&TT xây dựng cơ chế thống nhất áp dụng cho Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận chịu tác động khi tắt sóng tại Hà Nội, Hải Phòng.
Theo Sở TT&TT Hải Phòng, Hải Phòng không có tiêu chuẩn nghèo riêng mà có gần 42.000 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia. Theo số liệu điều tra mới nhất, trong số này có 36.000 hộ đang xem truyền hình số analog, còn lại gần 6.000 hộ thuộc nhóm đang xem truyền hình trả tiền, hoặc chưa có tivi.