Menu Drop Down

 

 TIN TỨC

   
 
  Tin VNPT   Nhịp cầu khách hàng   Sửa chữa nâng cấp mạng lưới
 

 
     
Ngày đưa thông tin: 4/4/2011
   
  Quan điểm về Gói dịch vụ viễn thông - Góc nhìn mới  
 
Gói dịch vụ Viễn thông là khái niệm còn khá mới trên thị trường dịch vụ Viễn thông Việt Nam và để hiểu như thế nào là gói dịch vụ Viễn thông thì chưa có một khái niệm cũng như một doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ Viễn thông nào đưa ra quan điểm về gói dịch vụ Viễn thông mà bao hàm đầy đủ bản chất của nó. Đó cũng là nội dung chính mà bài báo đề cập đến.

 

 1.     Quan điểm về nhóm dịch vụ

Trước hết, chúng ta cần hiểu thế nào là một nhóm (gói gộp) các dịch vụ. Nhóm dịch vụ được hiểu như sau: “Nhóm dịch vụ là các dịch vụ trong đó có những yếu tố dịch vụ cơ bản giống nhau và có sự tương đồng về thiết kế chính là một nhóm dịch vụ”.
Dựa trên khái niệm về nhóm dịch vụ ở trên sẽ giúp cho DN có thể tiến hành khảo sát một cách có hệ thống về mặt tổng thể đối với một nhóm dịch vụ mới, hơn nữa có thể phân tích mối liên hệ tác động lẫn nhau giữa các dịch vụ cấu thành nên nhóm dịch vụ mới. Trong quá trình đổi mới và phát triển dịch vụ, DN sẽ phát triển được hiệu quả tổng thể cao nhất của nhóm dịch vụ.
Nhóm dịch vụ góp phần giúp DN xem xét việc sáng tạo dịch vụ mới bằng quan điểm thay đổi và phát triển, một mặt vừa coi trọng việc khảo sát đối với dịch vụ trọng tâm của nhóm dịch vụ, vừa coi trọng các sản phẩm kết quả của nhóm dịch vụ, mặt khác vừa nghiên cứu đến nhóm dịch vụ thế hệ trước, vừa nghiên cứu đến sự thay thế và phát triển của nhóm dịch vụ các thế hệ sau. Như vậy, nhóm dịch vụ không chỉ là sự phân tích đơn thuần và cơ bản đối với việc thăm dò, lựa chọn dịch vụ cần đổi mới mà còn cung cấp cho DN một cách thức lựa chọn dịch vụ mới.
Căn cứ theo cấp độ dịch vụ có thể chia thành 3 nhóm dịch vụ: nhóm dịch vụ kỹ thuật, nhóm dịch vụ thị trường và nhóm dịch vụ theo ngành nghề.. 

2.     Quan điểm về gói (nhóm) dịch vụ Viễn thông
Như vậy, các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông Việt Nam hiện nay có đủ các điều kiện để có thể gộp nhóm các dịch vụ VT lại, tạo nên một hình thức kinh doanh dịch vụ mới, nhằm khác biệt hóa sản phẩm dịch vụ so với các nhà cung cấp khác. Nếu đứng ở các góc độ khác nhau thì gói dịch vụ Viễn thông lại được hiểu một cách khác nhau:
-Đứng ở góc độ kỹ thuật: “Gói dịch vụ Viễn thông được hiểu là tích hợp nhiều dịch vụ trên cùng một đường truyền để cung cấp cho khách hàng (KH)”. Theo quan điểm này, gói dịch vụ Viễn thông được gộp lại đơn thuần dựa trên cơ sở sự tích hợp về mặt kỹ thuật của dịch vụ, ví dụ như dịch vụ điện thoại cố định có dây và dịch vụ Internet thông qua Modem có thể kết hợp được với nhau. Nếu cùng một lúc nhà cung cấp dịch vụ cùng lắp đặt cho KH 2 dịch vụ này thì sẽ tiết kiệm được đường dây và quan trọng hơn là về mặt công nghệ chúng luôn có thể kết hợp cùng nhau mà không dịch vụ nào làm ảnh hưởng đến dịch vụ nào nhất là kể từ khi mạng NGN đang dần thay thế cho mạng ISDN.
-Đứng ở góc độ kinh doanh của nhà cung cấp dịch vụ: “Gói dịch vụ Viễn thông được hiểu là tập hợp bất kỳ 2 dịch vụ Viễn thông đơn lẻ trở lên được cung cấp cho KH có nhu cầu sử dụng nhóm dịch vụ đó nhiều hơn”. Khi nhà cung cấp dịch vụ muốn cạnh tranh với các đối thủ khác, bán được nhiều dịch vụ hơn cho KH nhằm đem lại doanh thu cao hơn thì đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải tìm mọi cách để bán được dịch vụ nhiều hơn cùng một lúc, doanh thu tăng và chống được sự rời mạng của KH để tạo thành tập hợp nhiều KH trung thành với nhà cung cấp hơn. Với gói dịch vụ Viễn thông thì cả nhà cung cấp và KH đều thuận tiện trong việc đăng ký sử dụng dịch vụ qua cơ chế bán hàng một cửa của nhà cung cấp dịch vụ.
-Đứng ở góc độ nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng: “Gói dịch vụ VT được hiểu là việc một KH khi sử dụng bất kỳ 2 hay nhiều dịch vụ Viễn thông trở lên của một nhà cung cấp thì  người sử dụng sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn từ phía nhà cung cấp dịch vụ như: chiết khấu giảm giá, chính sách chăm sóc KH, thủ tục đăng ký và thanh toán cước phí tiện lợi ....”. Chẳng hạn, trong trường hợp KH đăng ký sử dụng cùng một lúc 3 dịch vụ cố định, Fax và Internet ADSL thì KH sẽ được hưởng những ưu đãi nhất định từ nhà cung cấp (giảm cước phí lắp đặt, miễn cước thuê bao trong khoảng thời gian nào đó, tặng Modem....), tiết kiệm chi phí mua sắm thiết bị đầu cuối (máy Fax và máy điện thoại cố định chung), hóa đơn thanh toán cước phí gộp vào làm một... Bằng cách gộp 2 hoặc nhiều dịch vụ vào cùng một lúc sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho KH khi cùng đăng ký sử dụng được luôn nhiều dịch vụ đồng thời, hóa đơn thanh toán cước cuối tháng gộp vào làm một sẽ thuận tiện cho việc chi trả, được hưởng các chính sách chăm sóc khách hàng đặc biệt khác khi trở thành khách hàng thân thiết của nhà cung cấp dịch vụ...
Thông thường, gói dịch vụ Viễn thông hay còn gọi là sự kết hợp các dịch vụ Viễn thông khác nhau cho KH và thường là dùng để nói đến sự kết hợp của dịch vụ điện thoại cố định với một trong các dịch vụ truy cập Internet, truyền hình, dịch vụ vô tuyến hay bất cứ dịch vụ Viễn thông nào khác. Hầu hết KH và nhà cung cấp dịch vụ đều muốn kết hợp dịch vụ thì sẽ giảm được giá kéo dài trong suốt thời gian thuê bao.
Các công ty cung cấp dịch vụ VT hiện nay đang cung cấp dịch vụ thoại và truy cập Internet bằng mạng lưới sử dụng cáp đồng trục. KH sử dụng đường điện thoại để truy cập Internet và việc tích hợp nhiều dịch vụ gia tăng trên nền IP như: Fax, truyền hình độ phân giải cao sẽ tạo cơ hội sáp nhập các dịch vụ lại. Thống nhất dịch vụ cho thấy xu hướng các dịch vụ riêng rẽ sẽ kết hợp lại và gói dịch vụ sẽ đưa ra các tập hợp dịch vụ là kết quả của thống nhất dịch vụ và các xu hướng khác. 

Qua các quan điểm ở trên, Gói dịch vụ Viễn thông có thể được hiểu tổng quát như sau: “Gói dịch vụ Viễn thông là sự liên kết các dịch vụ được cung cấp kèm theo nhau của một nhà cung cấp, sử dụng dịch vụ này KH sẽ nhận được sự tương hỗ giữa các dịch vụ và lợi ích sử dụng kèm theo còn nhà cung cấp dịch vụ sẽ đạt được mục đích mà họ mong muốn như: tăng doanh thu, bán được nhiều dịch vụ cùng một lúc, lôi kéo được nhiều KH trung thành”.
      Như vậy, việc bán dịch vụ theo gói hay còn gọi là sự kết hợp dịch vụ sẽ đem lại cho cả khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ một số các lợi ích như sau:
 * Lợi ích dành cho khách hàng:
      - KH coi trọng sự tiện lợi của việc chỉ có một hóa đơn duy nhất và họ hy vọng là mua dịch vụ kết hợp từ một nhà cung cấp duy nhất sẽ rẻ hơn so với mua dịch vụ từ nhiều nhà cung cấp.
      - KH thích sự đơn giản: Trên cùng một đường truyền KH có thể sử dụng nhiều dịch vụ Viễn thông cùng một lúc qua sự hỗ trợ của thiết bị kỹ thuật như Modem, Set-top-box… Nhiều khách hàng muốn có kết hợp dịch vụ mặc dù họ không quan tâm xem hóa đơn tổng bây giờ có nhỏ hơn tổng các hóa đơn trước kia không.
      - Kết hợp dịch vụ tạo ra khả năng mua hàng tại một điểm và tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng (khách hàng sẽ nhận được dịch vụ hỗ trợ từ một nguồn kể cả khi họ đăng ký sử dụng nhiều dịch vụ một lúc). Điều này đòi hỏi nhà cung cấp phải đơn giản hóa tổ chức, các quá trình kinh doanh cũng như cơ chế bán hàng phải hợp lý.
 * Lợi ích dành cho nhà cung cấp dịch vụ:
      - Tạo ra cơ hội gia nhập thị trường mới cho nhà cung cấp mà không phải đầu tư nhiều vào xây dựng cơ sở hạ tầng thiết bị ban đầu, không mất nhiều tiền đầu tư cho các thiết bị đã có.
      - Tạo cơ hội cho việc bán chéo các dịch vụ giữa các công ty chủ dịch vụ.
      - Tạo ra sự trung thành của khách hàng. Một khách hàng sử dụng các dịch vụ nội hạt, đường dài và dịch vụ khác khó bị lôi kéo chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ đường dài khác khi họ đã bị “bó buộc” vào 1 gói dịch vụ mà họ đã lựa chọn ban đầu. Thế mạnh này có thể được tăng cường nếu kết hợp dịch vụ đã được giảm giá cho phần dịch vụ tăng thêm.
      - Tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ khác biệt hóa sản phẩm của họ.
      - Giúp cho việc quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu của khách hàng thuận tiện hơn. Ví dụ: một KH đăng ký sử dụng dịch vụ điện thoại Gphone sẽ có một mã KH nào đó, nếu họ đăng ký sử dụng tiếp dịch vụ di động Vinaphone lại cũng có một mã KH khác thì phức tạp hơn là chỉ một mã KH mà quản lý được việc KH đó sử dụng tất cả các dịch vụ VT khác nhau. 

3.     Yêu cầu cơ bản để xây dựng gói dịch vụ đối với nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông
Thực tế cho thấy, khi các điều kiện kinh tế - xã hội chuyển biến theo chiều hướng ngày càng phát triển thì nhu cầu thị trường cũng thay đổi, những dịch vụ nào không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng sẽ bị loại bỏ. Việc kéo dài chu kỳ sống của dịch vụ được thực hiện thông qua nhiều biện pháp khác nhau như: cải tiến chất lượng, mẫu mã, giá trị sử dụng, quy cách, hình thức bán dịch vụ…. Cần lưu ý rằng không phải tất cả các dịch vụ vừa ra đời là mới hoàn toàn mà chỉ mới một phần hoặc trên một mặt nào đó. Chúng có thể được tạo ra ngay từ khi dịch vụ cũ đang ở giai đoạn chín muồi và lập thành thế hệ dịch vụ mới. Phát triển dịch vụ mới là quá trình tất yếu, khách quan. Các dịch vụ đang tồn tại lâu năm trong giai đoạn chín muồi hoặc giai đoạn suy thoái đều cần được thay thế kịp thời bằng những dịch vụ mới có khả năng đáp ứng tốt hơn yêu cầu tiêu dùng của khách hàng. Điều đó đòi hỏi nhà cung cấp dịch vụ phải xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giới thiệu rộng rãi những dịch vụ mới cung cấp ra thị trường.
Có rất nhiều khách hàng muốn chuyển tất cả các dịch vụ Viễn thông vào cùng một nhà cung cấp dịch vụ chỉ với một lý do đơn giản là chỉ phải nhận một hóa đơn thanh toán cước vào cuối tháng. Các hộ gia đình muốn kết hợp của các dịch vụ cố định, truyền hình, di động, Internet từ một nhà cung cấp. Còn đối với các công ty cũng vậy, họ cũng muốn mua các dịch vụ được kết hợp từ một nhà cung cấp duy nhất, trong đó họ muốn mua kết hợp các dịch vụ cố định, vô tuyến, Internet và các dịch vụ dữ liệu nâng cao.
Đứng trước tình hình cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông, nhà cung cấp nào muốn phát triển mạnh và có những dịch vụ mang tính khác biệt hóa thì cần phải tìm hiểu nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng. Qua đó, nhà cung cấp dịch vụ biết hướng đi tắt, đón đầu, kịp thời cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tiện ích, đem lại càng nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng. Tất cả các điều đó sẽ càng làm tăng thêm nhu cầu sử dụng dịch vụ, lôi kéo khách hàng tiềm năng, khách hàng đang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp khác chuyển sang sử dụng dịch vụ của mình và ngày càng có nhiều khách hàng trung thành với mình, yêu mến thương hiệu của mình hơn. Đó là một việc làm tất yếu đặt ra cho bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông nào hiện nay khi nhu cầu sử dụng dịch vụ Viễn thông của khách hàng đòi hỏi ngày một cao hơn và tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến - hiện đại hơn.
Xuất phát từ yêu cầu phải đảm bảo tính khả thi của dịch vụ được lựa chọn trong gói dịch vụ Viễn thông mới, khi xây dựng phương án phát triển dịch vụ mới, nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông cần phải nghiên cứu, phân tích những vấn đề xung quanh gói dịch vụ Viễn thông mới nhằm cung cấp cho khách hàng những lợi ích thiết thực nhất như:
-Khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá trị sử dụng của dịch vụ: Giá trị sử dụng là yếu tố quan trọng, quyết định khả năng cạnh tranh của dịch vụ mới trên thị trường, nó bao gồm: tính hữu ích trong sử dụng, thuận tiện khi đăng ký sử dụng (lắp đặt mới), bảo dưỡng, giải quyết khiếu nại (thắc mắc)...
-Khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng về giá trị được thể hiện (thông qua giá cước)
-Chu kỳ sống của gói dịch vụ (tốc độ phát triển của gói dịch vụ)
-Các chính sách chăm sóc khách hàng kèm theo
-Chi phí cho quảng bá và nghiên cứu
 Để xây dựng gói dịch vụ Viễn thông thành công, nhà cung cấp dịch vụ cần phải tính toán và xây dựng kế hoạch triển khai dựa trên các câu hỏi được đặt ra như:
-Khách hàng sẽ muốn kết hợp những dịch vụ nào?
-Nhà cung cấp hiện có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng cần để kết hợp không?
-Nhà cung cấp sẽ tiết kiệm được chi phí nào, khách hàng tiết kiệm được chi phí nào?
-Nhà cung cấp có thể cho kết hợp các dịch vụ có vai trò giữ chân khách hàng để khách hàng không chuyển sang nhà cung cấp khác không?
-Khách hàng có quan tâm đến các kết hợp dịch vụ mà Nhà cung cấp đưa ra không?
-Có dịch vụ nào còn thiếu trong các kết hợp dịch vụ mà Nhà cung cấp đưa ra? Cơ chế phân chia doanh thu, quy định quyền và trách nhiệm giữa các nhà cung cấp dịch vụ khác nhau nếu có sự kết hợp thì được quy định như thế nào?
-Cơ cấu tổ chức của Nhà cung cấp có được chuẩn bị cho phù hợp với kết hợp dịch vụ chưa?
-Hệ thống tính cước có linh hoạt không?
4. Phương pháp xây dựng gói dịch vụ viễn thông
      Trên cơ sở những phân tích ở trên, việc lựa chọn gói dịch vụ Viễn thông có thể đưa ra 2 tiêu thức là lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ kết hợp với nhu cầu sử dụng dịch vụ Viễn thông trên thị trường.
 * Gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ
Lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ là chỉ việc DN lựa chọn nhóm dịch vụ hướng tới lĩnh vực kỹ thuật mới trong điều kiện lĩnh vực thị trường và ngành nghề cũ. Điểm khác biệt giữa lựa chọn gói dịch vụ mới với lựa chọn đổi mới một dịch vụ đơn nhất là ở chỗ, nó tập trung lựa chọn một loại dịch vụ có đặc tính chung nào đó về thiết kế, chế tạo; chú ý đến hiệu quả sử dụng tổng thể và tình hình thay đổi của loại dịch vụ này. Trong quá trình lựa chọn, DN vừa phải coi trọng hiệu quả sử dụng của dịch vụ trọng tâm trong nhóm dịch vụ, vừa phải coi trọng hiệu quả sử dụng dịch vụ kết quả; lại vừa phải xem xét đến hiệu quả thị trường của nhóm dịch vụ, vừa phải dự kiến tương lai thị trường của nhóm dịch vụ đó trong thời gian tiếp theo.
Quá trình DN tiến hành lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ có thể chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: thông qua thăm dò, tìm hiểu về kỹ thuật công nghệ để nhận biết được công nghệ sử dụng của các dịch vụ.
- Giai đoạn thứ hai: thông qua việc phân tích nhân tố kỹ thuật, xác định lĩnh vực kỹ thuật mà các dịch vụ có thể kết hợp với nhau thành gói.
- Giai đoạn thứ ba: trên cơ sở đã xác định được lĩnh vực kỹ thuật, thông qua việc phân tích lĩnh vực thị trường và ngành nghề hiện tại của DN để xác định nhóm dịch vụ mới cụ thể. Quá trình thông thường khi lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ có thể được miêu tả qua sơ đồ sau:

* Gói dịch vụ trên nền tảng nhu cầu của thị trường
Lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng nhu cầu của thị trường là chỉ việc lựa chọn phát triển nhóm dịch vụ hướng tới nhu cầu của thị trường trong điều kiện lĩnh vực kỹ thuật và ngành nghề cũ. Như trên đã trình bày, nhóm dịch vụ mới là một vài dịch vụ trọng tâm và dịch vụ kết quả tạo thành. Do đó, trong quá trình lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng nhu cầu của thị trường vừa xem xét đến vấn đề xác định vị trí thị trường cho dịch vụ trọng tâm, vừa phải suy nghĩ đến vấn đề xác định vị trí thị trường cho dịch vụ kết quả của nó; đồng thời phải biết coi trọng hiệu quả thị trường của nhóm dịch vụ trước đó, cũng cần phải dự tính đến tương lai thị trường của nhóm dịch vụ mới sau này.
Giống với lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ, quá trình lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng nhu cầu của thị trường cũng có ba giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất: thông qua thăm dò, tìm hiểu về thị trường và phát triển dịch vụ để nhận biết được các cơ hội trên thị trường.
- Giai đoạn thứ hai: phân tích các yếu tố thị trường ảnh hưởng đến sự lựa chọn nhóm dịch vụ mới, kết hợp với sự phân tích về phương thức và giá thành khi thâm nhập vào thị trường.
- Giai đoạn thứ ba: phân tích, sáng tạo môi trường kỹ thuật và môi trường ngành nghề của DN, kết hợp với việc phân tích điều kiện trong DN, xác định nhóm dịch vụ mới cụ thể.
Quá trình thông thường khi lựa chọn nhóm dịch vụ mới thị trường có thể được miêu tả qua sơ đồ sau:

* Gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường 

Lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường (sự kết hợp của 2 phương pháp trên) là lựa chọn phát triển nhóm dịch vụ hướng tới lĩnh vực kỹ thuật mới và lĩnh vực thị trường mới trong điều kiện lĩnh vực ngành nghề cũ. Giống như nhóm dịch vụ mới cơ sở, nhóm dịch vụ mới này đồng thời hướng tới lĩnh vực kinh tế mới và lĩnh vực thị trường mới nên có thể cho rằng gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường là do gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và gói dịch vụ trên nền tảng đáp ứng nhu cầu của thị trường kết hợp lại mà thành.
Trong thực tế có hai con đường để DN thực hiện lựa chọn gói dịch vụ trên nền tảng kỹ thuật công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường:
- Thực hiện lựa chọn lĩnh vực kỹ thuật trước, sau đó thực hiện lựa chọn lĩnh vực thị trường.
 - Thực hiện lựa chọn lĩnh vực thị trường trước, sau đó thực hiện lựa chọn lĩnh vực kỹ thuật.
Tóm lại, có rất nhiều cách để kết hợp 2 trong các dịch vụ Viễn thông khác nhau lại để tạo thành một gói dịch vụ Viễn thông đáp ứng được nhu cầu sử dụng thực tế cho khách hàng. Nhà cung cấp dịch vụ vừa dựa trên cơ sở về kỹ thuật và nhu cầu của thị trường để tạo ra các gói dịch vụ Viễn thông sao cho phù hợp trong thời điểm hiện nay khi nhu cầu sử dụng các dịch vụ Viễn thông của khách hàng ngày càng nhiều, kéo theo đó là sự đa dạng và phức tạp về các mức độ đòi hỏi của nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
 5. Kết luận
Hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ VT thường bán dịch vụ theo 2 hình thức là “gói cước” và “cước trọn gói”. Có thể hiểu gói cước là cách tiếp cận từ góc độ định giá trong khi gói dịch vụ là cách tiếp cận từ thói quen sử dụng hoặc cách bán kết hợp 2 hay nhiều dịch vụ khác nhau. Từ đó cho thấy Gói dịch vụ Viễn thông được hiểu rộng hơn gói cước vì trong mỗi một dịch vụ có thể sẽ có nhiều gói cước và trong 1 gói dịch vụ cũng có thể sẽ có nhiều gói cước khác nhau cho KH lựa chọn.
Gói dịch vụ Viễn thông là khái niệm còn khá mới trên thị trường dịch vụ Viễn thông Việt Nam và chưa có nhiều DN kinh doanh dịch vụ Viễn thông đưa ra chiến lược kinh doanh cho gói dịch vụ Viễn thông mà chỉ dừng ở góc độ đưa ra các hình thức khuyến mại xen lẫn trong các gói cước thông thường.
Theo quan điểm kinh doanh hiện đại cộng với sự phát triển nhanh chóng của KHKT cũng như nhu cầu đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao trong khi có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông để khách hàng lựa chọn thì trong thời gian tới các DN cung cấp dịch vụ Viễn thông cần lấy “Gói dịch vụ Viễn thông” là gốc để kinh doanh. Gói dịch vụ Viễn thông sẽ giúp tận dụng được tối đa đường truyền, tận dụng các chính sách chăm sóc khách hàng, chính sách hậu mãi, lôi kéo và giữ chân được nhiều khách hàng trung thành hơn qua cơ chế bán hàng một cửa. Đây là một bài toán kinh tế tổng thể, hiệu quả và lâu dài hơn cho chiến lược kinh doanh và phát triển dịch vụ của các DN cung cấp dịch vụ Viễn thông trong thời gian tới.

(Nguồn tin: Theo vnpt.vn)

 
     
 
 
     
 
CÁC TIN MỚI HƠN
 
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
    •   Ban hành kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (4/4/2011)
    •   VNPT EPAY sẽ cung cấp dịch vụ thanh toán di động quốc tế (2/4/2011)
    •   Mload – dịch vụ mới của VNPT Hà Nội (30/3/2011)
    •   VNPT Hà Nội cung cấp dịch vụ MegaGreen, MegaCamera, MegaMeeting (14/3/2011)
    •   VinaPhone mở dịch vụ quà tặng âm nhạc (7/3/2011)
    •   VinaSport – Thắp lửa đam mê (7/3/2011)
    •   Intel ra mắt công nghệ kết nối dữ liệu tốc độ cao (28/2/2011)
    •   4286 – Nhanh chóng, Thuận tiện (16/2/2011)
    •   Báo hỏng điện thoại/ADSL, Reset Gphone qua SMS 4086 (15/2/2011)
    •   Saving talk plus, thỏa sức alo suốt năm chỉ với 59.000đ/tháng (11/2/2011)
    •   VinaPhone triển khai dịch vụ chuyển vùng quốc tế cho thuê bao trả trước (10/2/2011)
    •   Tiện ích của Tổng đài 1080 (30/1/2011)
    •   Qui định về đặt cọc khi chọn số VinaPhone và nâng cấp lên iTouch (29/1/2011)
    •   Nhịp cầu MyTV (29/1/2011)
    •   VNPT Hà Nội thay đổi giá cước dịch vụ Gphone (20/1/2011)
 
     

FANPAGE VNPT HANOI   |   TRANG CHỦ   |   LIÊN HỆ  |   ĐANG TRUY CẬP: NGƯỜI

TẬP ĐOÀN BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM
VNPT HÀ NỘI
Địa chỉ: 75 Phố Đinh Tiên Hoàng, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
Giấy phép của Sở TT & TT HN số 1839/GP-TTĐT cấp ngày 25/ 05/ 2016.
Tổng đài bán hàng và chăm sóc khách hàng toàn quốc:
18001166