Ngày đầu bén duyên với ngành Viễn thông
Ngẫm lại tôi thấy mình thật có duyên với thông tin di động. Năm 1994 khi đang làm ở Nhà máy thuốc lá Thăng Long, tôi thi tuyển vào Công ty Thông tin di động (Công ty Mobifone sau này) và được trúng tuyển. Tôi tham khảo ý kiến của bạn tôi có bố làm trong ngành, bạn tôi khuyên là chưa nên sang vì mạng di động chỉ phục vụ cho rất ít cán bộ cấp cao thôi vì máy cầm tay rất đắt đỏ. Nghe bạn tư vấn tôi quyết định chưa sang ngành viễn thông.
Mobifone là mạng di động liên doanh giữa Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (BCVTVN) và Tập đoàn Comvik (Thuỵ Điển) ra đời năm 1994. Sau một thời gian ngắn kinh doanh, hiệu quả sản xuất vượt ngoài mong đợi. Tổng công ty BCVTVN đề xuất và được Tổng cục Bưu điện cho phép xây dựng mạng thông tin di động thứ hai hoàn toàn do người Việt Nam xây dựng và khai thác. Tháng 12 năm 1995 tôi lại một lần nữa tham dự phỏng vấn và trúng tuyển vào Bưu điện Hà Nội để xây dựng mạng di động thứ hai này.
Dự án do Ban Quản lý dự án GPC (GSM-Paging-Carphone) trực thuộc Tổng công ty BCVTVN thực hiện. Tôi còn nhớ hồi đó Trưởng ban là chú Lưu Văn Luân, mảng di động chúng tôi thường làm việc với chú Cát, anh Minh và chị Bích Anh. Tại Bưu điện Hà Nội giao nhiệm vụ cho Công ty Điện báo Hà Nội sẽ tham gia xây dựng mạng và định hướng sẽ tiếp quản khai thác sau khi hoàn thành lắp đặt. Công ty Điện báo Hà Nội thành lập Đội đặc nhiệm do chú Hoàng Gia Bổng làm Đội trưởng trực tiếp tham gia xây dựng mạng từ ngày đầu. Ngay trong ngày đầu tiên đi làm tôi được gia nhập Đội đặc nhiệm của chú Bổng luôn. 2 tháng đầu trong khi chờ thiết bị về chúng tôi đọc tài liệu về thiết bị. Đội đặc nhiệm gồm 2 thế hệ khác biệt rõ về tuổi tác: Lứa trẻ mới ra trường gồm có tôi, anh Trần Nam Phương ( nay là phó Giám đốc VNPT Hà Nội), em Nguyễn Đức Thành (nay công tác tại VNPT IT), chị Bùi Minh, em Hà, Huy,.. và các cô chú cỡ gần 50 tuổi: Cô Thuý, cô Vân, cô Như, Cô Lan, chú Oánh…
Vinaphone những ngày khởi lập – Những ngày tháng không thể nào quên
Tháng 2-1996 khi thiết bị về, chú Bổng chia Đội đặc nhiệm thành 2 tổ: Tổ Vô tuyến và tổ Chuyển mạch. Tổ vô tuyến do tôi làm tổ trưởng được giao nhiệm vụ hàng ngày đi theo đội lắp đặt trạm BTS để học tập và hỗ trợ. Tham gia tổ vô tuyến nên tôi có điều kiện được dong duổi khắp Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Quá trình triển khai lắp đặt trạm phát sóng BTS Vinaphone, chúng tôi được làm việc với các chuyên gia của Tập đoàn SIEMENS. Làm việc với họ chúng tôi học được ở họ sự cẩn thận đến từng chi tiết nhỏ. Nhìn những sợi phi đơ được bó chặt, uốn lượn cong đều đi trên máng cáp như một mái tóc rất đẹp.
Tôi vẫn nhớ như in, thời điểm đầu tiên ở Hà Nội có 13 trạm phát sóng BTS ở các vị trí: 75 Đinh Tiên Hoàng, Cảm Hội (Lò Đúc), Nhà Văn hoá Ba Đình (Ngọc Hà); Quan Thánh (Viện Điện tử tin học); Sân bay Nội Bài; Cầu Thăng Long; 165 Cầu Giấy; Bưu điện Sóc Sơn; Bưu điện Đông Anh; Bưu điện Giáp Bát; Bãi Đá (Trường Chinh); Bưu điện Thượng Đình và Bưu điện Gia Lâm. Tổng đài chuyển mạch (MSC) và BSC cùng đặt tại tầng 5 toà nhà 811 Giải Phóng.
Các trạm phát sóng này chủ yếu được đặt tại các vị trí có cột anten tự đứng ở các trung tâm Huyện. Theo thiết kế để sóng di động được liên tục từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố thì cần phải có trạm khu vực cầu Thăng Long. Tôi trực tiếp đi khảo sát vị trí mố chính giữa cầu Thăng Long. Cảm giác bước lên bậc cầu thang mố cầu lên trên đỉnh như đi vào một nhà hoang, đứng đó nhìn xuống thấy dòng sông Hồng chảy vừa thích thú vừa có cảm giác rờn rợn.
Không chỉ tham gia lắp đặt trạm BTS ở khu vực Hà Nội mà chúng tôi còn phải tham gia hỗ trợ các tỉnh phía Bắc: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh lắp đặt trạm BTS. Chuyến đi tôi nhớ mãi đó là sau khi hoàn thành lắp đặt trạm ở Kinh Môn, chúng tôi di chuyển qua địa bàn Quảng Ninh. Thời đó Cầu Phú Lương và Lai Vu còn là cầu cũ, chỉ có 1 làn xe. Ở mỗi đầu cầu có người cầm cờ hướng dẫn bên nào được đi, bên nào dừng lại. Trời nắng chang chang, trong lúc xe dừng lại để xe bên kia cầu qua, tôi xuống xe mua túi mận để anh em giải khát. 30 phút sau xe qua được cầu, mở túi mận ra ăn thì các quả mận đã mềm nhũn như được luộc. Nhiệt độ trong xe khoảng trên 50 độ đã làm những quả mận tươi thành như vậy.
Đến Quảng Ninh, ấn tượng nhất là chúng tôi tham gia lắp đặt trạm phát sóng trên đỉnh núi Bài Thơ. Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi đẹp nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long cao 168m. Trên núi hiện nay còn lưu lại các bài thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông khắc trên đá năm 1468, từ đỉnh núi quan sát toàn cảnh Vịnh Hạ Long như một bức tranh tuyệt đẹp. Thơ mộng là vậy nhưng lại là nỗi vất vả của các anh chị làm việc trên này. Tôi còn nhớ sau khi hoàn thành lắp đặt trạm, ngồi nói chuyện, các anh chị ở trạm viễn thông này cho biết mỗi tuần chỉ đi chợ 1 lần, nước uống phải tiết kiệm từ nguồn nước mưa.
VinaPhone chính thức phát sóng
Tháng 5-1996, một buổi sáng chúng tôi đang làm việc thì giật mình khi nghe thấy tiếng chú Bổng vui sướng hét to “Gọi được điện thoại rồi”. Như vậy mạng di động Vinaphone đã chính thức phát sóng. Ngày 26-6-1996, một buổi lễ khai trương mạng VinaPhone trang trọng đã được tổ chức tại 75 Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và Thành phố Hà Nội, chúng tôi tưng bừng hân hoan tham gia buổi lễ và rất tự hào đã góp phần nhỏ bé của mình trong việc xây dựng mạng di động toàn quốc đầu tiên hoàn toàn do người Việt Nam khai thác.
Cao Hữu Hiền - VNPT Hà Nội