Đã thử nghiệm kỹ thuật
Về MNP, đây là thủ tục cho phép các thuê bao di động có thể chuyển từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động này đến một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động khác mà vẫn giữ nguyên số thuê bao. Dịch vụ MNP được cung cấp thông qua sự phối hợp giữa các nhà mạng với trung tâm chuyển mạng quốc gia theo cơ chế “Truy vấn các cuộc gọi” tới cơ sở dữ liệu thuê bao chuyển mạng quốc gia. Dịch vụ này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng nhằm đem đến sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động, đồng thời đem lại lợi ích cho người sử dụng.
Đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VNPT VinaPhone đã, đang thử nghiệm kỹ thuật. Theo Tập đoàn VNPT, hệ thống cổng MNP của VinaPhone đã kết nối thành công với trung tâm chuyển mạng quốc gia, đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ với các nhà mạng khác. Ngoài ra, VinaPhone cũng xây dựng các quy trình, quy định cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng muốn sử dụng dịch vụ này, sẵn sàng cung cấp dịch vụ MNP cho khách hàng theo đúng lộ trình.
Theo Tổng công ty Viễn thông Viettel, nhà mạng này đã cơ bản hoàn thành hệ thống kỹ thuật với trung tâm chuyển mạng quốc gia và sẵn sàng liên thông với các nhà mạng khác. Quá trình thử nghiệm kỹ thuật không ảnh hưởng đến khách hàng đang dùng di động. Với MobiFone, ngoài các bước thử nghiệm về mặt kỹ thuật theo quy trình, nhà mạng này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về dịch vụ và chăm sóc khách hàng trên toàn quốc.
Áp dụng chính sách “giữ chân” thuê bao
Dịch vụ MNP nhằm thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động. Khi các nhà mạng cùng cạnh tranh, thì khách hàng là người hưởng lợi. Tại thị trường Việt Nam, lĩnh vực di động đang có 5 nhà cung cấp: Viettel, MobiFone, VNPT VinaPhone, Vietnamobile, Gmobile, nhưng thực tế thị trường đang ở thế “chân vạc” với 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, VNPT VinaPhone (chiếm 95% thị phần). Trong đó, Viettel (giữ 46,7% thị phần) đang tác động chính trong cuộc cạnh tranh.
Tuy nhiên, phục vụ hàng chục triệu khách hàng cùng một lúc, mỗi nhà mạng không dễ làm hài lòng số đông, chứ chưa thể nói là tất cả, nhưng vì dùng số di động lâu, nên ngại thay đổi. Vì vậy, khi cơ quan nhà nước áp dụng quy định, khách hàng được phép chuyển sang dùng mạng di động khác mà vẫn được giữ nguyên số thuê bao là cơ hội để người dùng được lựa chọn nhà cung cấp tốt hơn.
Quan sát những động thái gần đây trên thị trường cho thấy, Tập đoàn VNPT đã tiên phong trong việc đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng, sẵn sàng đón thời điểm áp dụng quy định MNP. Từ trung tuần tháng 9-2017, VNPT ra gói cước "Gia đình" tích hợp các dịch vụ cáp quang FiberVNN, thoại (di động VinaPhone, cố định), truyền hình MyTV cho người dùng (có thể gồm từ 6 đến 25 thành viên) với giá cước 235.000 đồng - 598.000 đồng/tháng, rẻ lên tới 50% so với dùng dịch vụ đơn lẻ...
Tiếp sau đó, VNPT lại ra gói cước "Văn phòng Data" dành cho khách hàng doanh nghiệp, trong đó tích hợp các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin với internet tốc độ cao FiberVNN được chia sẻ dùng dữ liệu, di động VinaPhone, dịch vụ bảo mật F-Secure, chữ ký số VNPT-CA..., với các mức cước từ 568.000 đồng đến 1.268.000 đồng/tháng (số thành viên đăng ký từ 5 người đến 20 người).
Theo ông Tô Dũng Thái, Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone, từ năm 2016 VinaPhone đã cử cán bộ sang Thái Lan để học tập kinh nghiệm về MNP tại nước này. Từ kinh nghiệm của nhà mạng True (Thái Lan) cho thấy, có thể trong giai đoạn đầu áp dụng dịch vụ MNP, giữa các nhà mạng sẽ có những xáo trộn về sự chuyển đổi của thuê bao, nhưng sau đó thị trường sẽ ổn định. Do vậy, việc chuẩn bị là rất quan trọng, từ khâu kỹ thuật đến các phương án chăm sóc khách hàng...