Đoàn đặt chân đến Đà Nẵng đúng vào ngày kỷ niệm tròn 43 năm Đà Nẵng được giải phóng 29/3/1975 – 29/3/2018. Đêm đầu dạo chơi phố cổ Hội An, đoàn đã có những trải nghiệm thú vị, tìm hiểu về Chùa Cầu, được ví như biểu tượng của Hội An cũng như thưởng thức những tiết mục hát bội bài chòi xứ Quảng rất đặc sắc. Rời Đà Nẵng, đoàn khởi hành đến cố đô Huế, tham quan khu Đại Nội và nghe ca Huế trên sông Hương. Trong đêm thanh tịnh, ngồi trên thuyền rồng nghe ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế, ánh đèn lung linh phảng phất dưới nước sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời.
Trên hành trình từ Nam ra Bắc, Quảng Trị nằm ở trung điểm, được ví như điểm tỳ vai gánh hai đầu đất nước. Quảng Trị là một trong những chiến trường khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt của đất nước ròng rã 20 năm. Dừng chân tại Thành Cổ Quảng Trị, cả đoàn như lặng đi khi nghe thuyết minh về 81 ngày đêm hoá thành bất tử của các anh. 81 ngày đêm giữ đất, giữ thành, giữ niềm tin khoảng 1,8 vạn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải là dấu cắt hai miền đất nước, là hiện thân của nổi đau dân tộc. Suốt 20 năm "Cách một dòng sông mà đó thương, đây nhớ/ Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa"; nơi đây đã chứng kiến bao cảnh tang tóc, đau thương nhưng cũng vô cùng anh dũng. Đi trên cây cầu Hiền Lương lịch sử, mọi người cảm nhận biết bao sự đổi thay từ “tuyến lửa” anh hùng, ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ giới tuyến, trong lòng lại trào dâng cảm xúc khó tả.
Đến dâng hương tại hai nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước là Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia đường 9, ai cũng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ. Trên mộ chí của các anh, các chị có thể có tên có thể chưa biết tên nhưng các anh đã thành danh, trở thành tên chung và niềm tự hào đất nước. Sự hy sinh của các anh, các chị đã làm nên quả ngọt. Cái ngày ra đi không trở về của các anh, các chị đã làm nên ngày đoàn tụ của bao người. Sự mất mát lớn lao của các anh, các chị đã làm nên hạnh phúc của hàng triệu, triệu gia đình và cao hơn cả là đã làm cho đất nước, cho dân tộc hồi sinh. Cái giá ấy, mãi mãi trường tồn, niềm tự hào ấy thuộc về các anh mà mỗi người đều có trách nhiệm phải nhân lên và truyền lửa lại cho các thế hệ mai sau.
Trên đường ra Bắc, Đoàn dâng hương tại mộ cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, đảo Yến và khu tưởng niệm các chị thanh niên xung phong tại Ngã ba Đồng Lộc. Ngã ba Đồng Lộc đi vào lịch sử như một bản anh hùng ca về quyết tâm sắt đá tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; về sự hy sinh cao cả của 10 cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi.
Bốn ngày bên nhau, cùng sinh hoạt và có những trải nghiệm mới mẻ đối với mỗi thành viên trong đoàn không chỉ là một chuyến đi về nguồn đơn thuần, chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc, nhiều kỷ niệm đáng nhớ và hơn tất cả là sự gắn kết của hai mươi hai thành viên trong đoàn, đến từ các đơn vị khác nhau, nhưng tất cả đều đồng lòng vì mái nhà chung VNPT Hà Nội.