Tại buổi làm việc, thay mặt Ban Lãnh đạo Tập đoàn VNPT, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc đã báo cáo với Chủ tịch Ủy ban QLVNN Nguyễn Hoàng Anh và đoàn công tác về cơ cấu, tổ chức nhân sự của Tập đoàn; công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên; xu hướng của các nhà mạng viễn thông trên thế giới và môi trường kinh doanh tại Việt Nam; kết quả sản xuất, kinh doanh các năm 2013-2018; công tác chỉ đạo điều hành; kế hoạch năm 2019; công tác cổ phần hóa; công tác bàn giao về Ủy ban cùng các khó khăn, vướng mắc, đề xuất. Theo báo cáo, năm 2018, tổng lợi nhuận hợp nhất của VNPT đạt 6.445 tỷ đồng, bằng 109,4% kế hoạch, tăng 25% so với thực hiện năm 2017. Tổng nộp ngân sách toàn Tập đoàn đạt 4.476 tỷ đồng, bằng 117,5% kế hoạch, tăng 18% so với thực hiện năm 2017. Tổng số thuê bao di động của VNPT đạt khoảng 34 triệu thuê bao, trong đó có 2,7 triệu thuê bao cố định, 31,3 triệu thuê bao di động. Tổng số thuê bao Internet băng rộng của VNPT đạt 5,4 triệu thuê bao.
Năm 2018, VNPT chính thức tổ chức triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số và Trung tâm giao dịch số hàng đầu Việt Nam, cụ thể hóa thông qua 10 chương trình, 34 dự án chiến lược. Kế hoạch năm 2018 của VNPT được xây dựng và phân rã phù họp với Chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2025, các mục tiêu kế hoạch được giao tới các đơn vị thành viên và được quản trị thông qua hệ thống BSC/KPI nhằm tối đa hóa sức mạnh tổng hợp của hơn 70 đơn vị thành viên trong VNPT… Về công tác đầu tư phát triển mạng, VNPT đã hoàn thành xây dựng cấu trúc, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể mạng lưới và dịch vụ trung hạn, dài hạn; xây dựng và hoàn thiện nhiều quy trình, quy định quản lý chất lượng mạng lưới, dịch vụ; chủ động nghiên cứu để triển khai các sản phẩm, công nghệ mới như công nghệ 5G, nền tảng và ứng dụng IoT…
Cũng theo Tổng Giám đốc Phạm Đức Long, năm 2018, VNPT đã triển khai mở rộng biên mạng băng rộng quốc tế tại Hồng Kông (Trung Quốc); tối ưu, mở rộng thuê kênh quốc tế trực tiếp đến các vùng lãnh thổ để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh phát triển các trạm 3G, 4G, mở rộng mạng truyền dẫn, đầu tư thiết bị và mạng cáp quang kịp thời đáp ứng chất lượng và nhu cầu thị trường… Năm 2018, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 9 Bộ, ngành và địa phương, nâng tổng số địa phương đã ký kết lên 53/63 tỉnh/thành phố; tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh thêm 11 tỉnh/thành phố...
Năm 2018, VNPT đã đạt nhiều giải thưởng và danh hiệu như giải thưởng Stevie Awards 2018 dành cho sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin; giải Vàng cho các giải pháp VNPT HIS, IoT SCP… Top 10 doanh nghiệp tiêu biểu Asian 2018; Top 3 thương hiệu giá trị nhất năm 2018 theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam; được vinh danh trong Top 3 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất lĩnh vực công nghệ thông tin/hạ tầng/viễn thông. Về lĩnh vực lao động, VNPT hiện có 36.789 lao động, trong đó có 28,74% là nữ, lao động có trình độ đại học trở lên là 61%. Bình quân thu nhập của người lao động năm 2017 là 21 triệu đồng/tháng.
Về kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019, VNPT phấn đấu tăng trưởng 10-15% lợi nhuận toàn Tập đoàn so với năm 2018; doanh thu phấn đầu tăng trưởng từ 7-9% so với thực hiện năm 2018; dự kiến tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu tăng từ 10-15% so với thực hiện năm 2018. Theo ông Phạm Đức Long, dự kiến tổng kế hoạch đầu tư năm 2019 của VNPT là 12.200 tỷ đồng, trong đó, cơ cấu đầu tư cho mạng di động là 5.900 tỷ đồng, băng rộng cố định là 3.900 tỷ đồng, dịch vụ giá trị gia tăng và công nghệ thông tin là 1.200 tỷ đồng; đầu tư kiến trúc nhà trạm và đầu tư khác là 1.200 tỷ đồng với các chương trình đầu tư lớn như: Đầu tư mạng thông tin di động 4G; đẩy mạnh đầu tư, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền di động, băng rộng, cố định và các dịch vụ data, dịch vụ IPTV Multimedia…; đầu tư mở rộng năng lực các hệ thống truyền tải, cung cấp dịch vụ truy nhập băng rộng cố định và di động để đảm bảo truyền tải và chất lượng dịch vụ…
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, cũng như thực hiện tốt công tác cổ phần hóa như chỉ đạo, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cũng nêu các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất với Ủy ban một số kiến nghị. Sau khi nghe báo cáo của VNPT cũng như các Vụ chức năng của Ủy ban, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Phú Hà bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi về kết quả đạt được của VNPT và mong muốn Tập đoàn có sự phát triển bền vững. Về các đề xuất của VNPT liên quan đến lĩnh vực phụ trách, Phó Chủ tịch cho rằng, mọi vấn đề cần phải xin ý kiến một số Bộ, làm theo đúng trình tự pháp luật… Phó Chủ tịch cũng đề nghị VNPT cử cán bộ biệt phái để cùng Ủy ban tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh. Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại buổi làm việc Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu tại buổi làm việc Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cảm ơn VNPT đã dành thời gian làm việc cùng đoàn công tác, chuẩn bị nội dung, báo cáo đầy đủ, toàn diện. Theo Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh, trong thời gian qua, VNPT đã sát cánh cùng Ủy ban trong nhiều công việc. Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh phát biểu kết luận Kết quả kinh doanh của VNPT đạt được trong những năm qua và năm 2018 thể hiện rõ vị trí, tầm quan trọng của VNPT trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Chủ tịch cũng đánh giá cao công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể và đời sống của cán bộ công nhân viên VNPT thời gian qua.
Đối với những kiến nghị của VNPT, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, việc có nhiều kiến nghị, đề xuất cho thấy nhu cầu phát triển của VNPT. "Ủy ban không chỉ là cơ quan quản lý cấp trên mà thực sự đang sát cánh cùng doanh nghiệp, ...các đồng chí thành công thì Ủy ban cũng thành công, Ủy ban là cấp quản lý và là người đồng hành”, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định và lưu ý, trong quá trình thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, cũng như các công việc khác, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, VNPT có văn bản báo cáo Ủy ban để cùng tìm hướng giải quyết. Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh đề nghị VNPT tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được và đi theo chiều sâu; đồng thời phối hợp với Trung tâm thông tin của Ủy ban hoàn thiện Bộ phần mềm chỉ số để đưa vào hoạt động.