Với 90% diện tích là núi rừng, được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những nét hoang sơ vô cùng kỳ thú với núi rừng hùng vĩ, khi đến với Cao Bằng, ngoài không khí trong lành, cảnh sắc đẹp như tranh vẽ và ẩm thực siêu ngon, đoàn công tác còn có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm độc đáo về văn hoá ở nơi được coi là cái nôi của cách mạng Việt Nam.
Khu di tích lịch sử Pác Bó nằm trên địa bàn của xã Trường Hà, Huyện Hà Quảng – cụm di tích từng gắn với hoạt động của Bác trong thời kì đầu trở về Tổ quốc lãnh đạo Cách mạng (1941 – 1945). Ði trên những tảng đá nhám rêu phong dọc bờ suối là nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó. Ðây là nơi khởi nguồn của suối Lê-nin. Hang Pắc Bó, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Ðứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: “Ngày 8 tháng 2 năm 1941”. Ðấy là ngày Bác đến ở hang này. Thăm khu di tích lịch sử này, mọi người có dịp hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi trong ký ức lại vang lên những vần thơ lạc quan cách mạng của Người:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Ngày thứ hai đoàn dành để đi tham quan khu thác Bản Giốc, thác nước hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, nằm ở địa phận xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng. Giốc. Nằm trên đường biên giới Việt - Trung, dòng thác đẹp nhất dải đất hình chữ S này còn được vinh danh là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên một đường biên giới. Thác Bản Giốc kiêu hùng với dòng chảy trải dải gần 300m cuồn cuộn đổ xuống từ độ cao 53m qua nhiều bậc thang thành những ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Đứng dưới chân thác mọi người đều cảm thấy không khí sảng khoái và dễ chịu, được tạo bởi màn sương nước tỏa ra từ thác. Hơi nước bay lên tạo thành một màn sương mù như một dải lụa trắng vắt ngang qua sườn núi, vừa hùng vĩ vừa nên thơ.
Sau khi tới Thác Bản Giốc, đoàn lại được đi tham quan động Ngườm Ngao, thuộc top động lớn và đẹp nhất Việt Nam. Lòng động trải dài, không khí mát rượi như điều hoà khổng lồ của thiên nhiên. Vào sâu trong động, khám phá những khối đá vôi và thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng triệu năm, những khối nhũ đá độc đáo như đài sen úp ngược, cột đá cô đơn cây san hô, bầu sữa mẹ, con cóc thần, cây đàn đá, thác vàng, thác bạc… mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng vô tận.
Tham gia chuyến đi về nguồn, mỗi thành viên trong đoàn chắc chắn đều có những trải nghiệm khó quên, dù rằng có một vài người đã từng có cơ hội đến với Cao Bằng trước đó. Đó là những phút nghỉ dừng chân trên chặng đường dài, mọi người hỏi han chăm sóc những thành viên bị mệt do say xe, do không quen di chuyển liên tục trên địa hình đèo dốc, là buổi tối quây quần vui vẻ bên nhau hát những bài ca cách mạng đã đi dài theo năm tháng, là những phút đùa vui trên xe với những tràng cười sảng khoái, là những chén rượu vui vẻ với anh em kỹ thuật viên bên Tổng công ty Hạ tầng Mạng khi nhận ra nhau cùng chung mái nhà VNPT qua màu áo đồng phục tại Lạng Sơn. Và trên hết, đó là tình cảm đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong đoàn và lời cảm ơn sâu sắc gửi tới Công đoàn VNPT Hà Nội, đã có nhiều sáng tạo để Văn hoá VNPT lan toả tới từng người lao động.