Và quan trọng hơn cả, VNPT đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực cũng như thế giới bằng những sản phẩm CNTT bắt kịp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
05 năm tái cơ cấu, VNPT đã đạt được một số thành quả mà theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá là Tập đoàn điển hình về tái cơ cấu. Quá trình tái cơ cấu của VNPT gắn liền với 02 Quyết định do Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định số 888/QĐ-TTg năm 2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg năm 2018. Đây được xem là những quyết định quan trọng có tính chất quyết định đến hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần đưa VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế nhà nước chuyên về lĩnh vực Viễn thông - CNTT hàng đầu như hiện nay.
Sẵn sàng chuyển đổi từ doanh nghiệp viễn thông truyền thống…
Trước bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường Viễn thông trong nước, nhiều doanh nghiệp nhà nước ngại thay đổi, tuy nhiên VNPT đã bám sát các Nghị quyết Trung ương, vận dụng cơ chế chính sách nhà nước và thay đổi cách làm với quyết tâm đổi mới, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Cụ thể, VNPT đã thực hiện chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang mô hình doanh nghiệp số, CNTT để từng bước tham gia vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế số, đô thị số, chính quyền số tại Việt Nam. Đồng thời, VNPT cũng chuyển nhanh cơ cấu doanh thu từ các dịch vụ viễn thông truyền thống, sang dịch vụ Số, CNTT.
Chính phủ Việt Nam trong những năm gần đây luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho doanh nghiệp CNTT phát triển, đồng thời khuyến khích tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp trong đó có VNPT đã nhận thức rõ sự ảnh hưởng của CNTT và dành nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này.
Để trở thành một doanh nghiệp mạnh về CNTT, VNPT đã từng bước hoàn thiện chiến lược phát triển của riêng mình (VNPT 4.0), hoàn thành việc tái cấu trúc khối CNTT và thành lập Công ty chuyên về CNTT (VNPT - IT) với mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ Số hàng đầu Việt Nam và Trung tâm giao dịch Số tại thị trường Đông Nam Á. Theo dự kiến, đến hết năm 2025, doanh thu từ CNTT sẽ chiếm khoảng 20% tổng số doanh thu của VNPT và tốc độ doanh thu CNTT từ năm nay đến 2025 chiếm bình quân khoảng 35%/năm.
… Không ngừng hiện đại hóa hạ tầng, nghiên cứu phát triển công nghệ mới
Để đạt được những mục tiêu trên, VNPT đã không ngừng hiện đại hóa hạ tầng CNTT; đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới; xây dựng các nền tảng (platform) về dịch vụ số; tối ưu hóa ứng dụng; đẩy nhanh quy trình cung cấp giải pháp, sản phẩm và dịch vụ CNTT ra thị trường.
Là nhà cung cấp dịch vụ Viễn thông - CNTT uy tín tại Việt Nam, đồng thời sở hữu một tập khách hàng lớn là các tổ chức doanh nghiệp, VNPT có đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp CNTT mạnh và tham gia sâu vào thị trường chuyển đổi số cho các bộ ngành, chính quyền các tỉnh thành và các doanh nghiệp khác, phát triển dự án thành phố thông minh, đồng thời phát triển dịch vụ số cho cá nhân. Cụ thể, đến thời điểm này, VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 6 Bộ ngành, 53 UBND tỉnh, thành phố, 8 ngân hàng và 7 Tổng công ty.
Hệ sinh thái giải pháp của VNPT đang ngày càng phong phú và hoàn thiện với các giải pháp ở nhiều lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử, y tế, nông nghiệp, giáo dục, các giải pháp xây dựng đô thị thông minh khác…VNPT đã cung cấp hàng trăm dịch vụ, giải pháp CNTT hướng tới xây dựng chính phủ điện tử.
Đến nay, mảng chính quyền số, Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đã được triển khai sâu rộng tới 61/63 tỉnh thành trên cả nước. Hệ sinh thái CNTT chuyên ngành Y tế VNPT-HIS của VNPT đã được triển khai tới 7.278 cơ sở y tế các tuyến, tại 60/63 tỉnh, thành phố. Mạng giáo dục vnEdu của VNPT cũng đã được triển khai tới hơn 12.000 trường với gần 4 triệu học sinh, tại 63/63 tỉnh, thành phố. VNPT đã và đang đồng hành cùng các Bộ, Ngành và 53/63 UBND tỉnh, thành phố; tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) tại 28 tỉnh/thành phố.
Sau 05 năm tái cơ cấu, VNPT đã thực hiện được những kế hoạch đã đề ra và minh chứng rõ nhất là các chỉ số sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng tốt. Đó là 05 năm liên tiếp, VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Mục tiêu cụ thể cho năm 2019 là doanh thu dự kiến tăng trưởng từ 7-9%, lợi nhuận từ 10-15%. Như vậy, tái cấu trúc đã mang lại cho VNPT một diện mạo hoàn toàn mới, mà theo Ban lãnh đạo Tập đoàn VNPT đó là sự thay đổi cả về “chất và lượng”.
VNPT sẽ tiếp tục triển khai sắp xếp cơ cấu tổ chức, sản xuất kinh doanh theo phương án tái cơ cấu giai đoạn 2018 - 2020, cũng như các mục tiêu chiến lược 4.0, triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa Tập đoàn, chuyển đổi mô hình tăng trưởng Tập đoàn theo hướng nâng cao năng suất lao động, tăng trưởng lợi nhuận đột phá năng lực cạnh tranh và hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh mà CNTT là đóng vai trò then chốt.
- Quyết định số 888/QĐ-TTg: VNPT đã thực hiện nhiệm vụ tách Công ty MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông ra khỏi Tập đoàn, đồng thời kiện toàn bộ máy hoạt động của các đơn vị phụ thuộc như VinaPhone, VTI, VTN, VASC, VASC và Viễn thông tại 63 tỉnh, thành phố theo mô hình chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh theo hướng chuyên biệt và khác biệt.
- Quyết định số 2129/QĐ-TTg: VNPT đã định hướng lại để Công ty VNPT-IT và VNPT-VinaPhone thống nhất đầu mối kinh doanh dịch vụ quốc tế cũng như các dịch vụ CNTT trong nước. Ngoài ra, VNPT cũng tập trung phát triển Công ty VNPT Technology, sắp xếp lại các công ty cổ phần và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp ngoài ngành theo đúng tinh thần của Quyết định này.