Nhưng trên thực tế, ngoại trừ thuê bao là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trả theo gói dịch vụ riêng, thì đối với khối khách hàng cá nhân hiện đang được bán với mức từ 180.000 đồng/tháng. Thậm chí, SCTV còn đưa ra gói cước cáp quang chỉ 135.000 đồng/tháng, kết hợp đi trên đường truyền hình cáp.
Không chỉ cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như lúc đầu bán giá rẻ, khách sử dụng 7-10 ngày thì “bóp” băng thông, dần ép khách dùng gói cước giá cao hơn hoặc sử dụng các chiêu trò “cướp” thuê bao từ nhà cung cấp khác…
Theo chuyên gia viễn thông Lê Nam Thắng, việc phá giá trên thị trường Internet cáp quang sẽ là mối nguy hại cho thị trường. Việc các nhà cung cấp khuyến mại khủng, phá giá khiến khách hàng thấy cái lợi trước mắt, chuyển qua, chuyển lại giữa các nhà cung cấp để hưởng khuyến mại, gây nên sự lãng phí tài nguyên vô cùng lớn và méo mó thị trường, đến khi những doanh nghiệp yếu thế "chết" thì lúc đó nhà mạng còn lại sẽ độc quyền và lúc này thiệt hại người dùng sẽ lãnh đủ.
Cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
Việc cạnh tranh không lành mạnh gây áp lực không nhỏ cho các nhà cung cấp và làm thị trường nhiễu loạn. Điều này đã gây bức xúc cho các nhà cung cấp.
Ông Tô Dũng Thái, Giám đốc VNPT Hà Nội khẳng định, quan điểm của VNPT Hà Nội là không cạnh tranh bằng giá rẻ, mà cạnh tranh với giá cả phù hợp và quan trọng hơn là chất lượng dịch vụ.
“Hiện chúng tôi là nhà cung cấp xử lý sự cố nhanh nhất, điều này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định trong các báo cáo đánh giá tiêu chuẩn chất lượng công bố hàng năm. Đó chính là sự khẳng định rằng chúng tôi cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, chứ không phải bằng giá cước rẻ”, ông Thái cho biết.
Theo ông Thái, VNPT xác định, đầu tư cáp quang giai đoạn đầu rất tốn kém, trong khi hiện nay giữa các đơn vị có sự cạnh tranh quyết liệt. Do vậy, cần xác định thị trường như thế nào để đầu tư, phải có nghiên cứu rõ ràng và chỉ đầu tư dựa trên tính toán đến hiệu quả, nếu đầu tư vào một chỗ mà khách hàng chưa có hoặc nhu cầu thấp thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động. Do đó, VNPT Hà Nội chỉ thực hiện đầu tư ở những khu vực có tiềm năng và chọn giải pháp đặt trước các đường cáp ngầm chờ sẵn… Hiện nay, VNPT Hà Nội đang triển khai mục tiêu phủ cáp quang đến toàn bộ các xã trên địa bàn Thành phố.
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Viễn thông FPT đề xuất, cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định về giá sàn để bảo đảm các nhà cung cấp dịch vụ có thể cạnh tranh lành mạnh, tránh tình trạng giảm giá cước bừa bãi để cạnh tranh. Việc quản lý giá sàn sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư và bảo đảm được hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí cho xã hội.