Sáng 12/1/2022, tại trụ sở 75 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội, VNPT địa bàn Hà Nội đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất trao tặng cho VNPT Hà Nội về thành tích giai đoạn 2010 – 2020 và Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022.
Buổi lễ vinh dự đón Ông Nguyễn Mạnh Quyền – Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Tô Dũng Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, các đại biểu đến từ UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn VNPT, Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông, cùng đại diện các thế hệ lãnh đạo, CBCNV VNPT địa bàn Hà Nội tham dự. Buổi lễ được diễn ra và trực tiếp truyền hình online tới 12 điểm cầu tại các đơn vị trực thuộc.
Sau nghi lễ trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho VNPT Hà Nội, 07 tập thể cá nhân xuất sắc thuộc VNPT địa bàn Hà Nội đã được trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 33 tập thể cá nhân người lao động được trao tặng Kỷ niệm chương Điển hình tiên tiến năm 2022.
Giai đoạn 2010 – 2020, đánh dấu những bước đổi thay lớn và ý nghĩa trong công tác tái cơ cấu tổ chức SXKD của VNPT Hà Nội. VNPT Hà Nội đã triển khai tái cấu trúc theo mô hình mẫu của Tập đoàn VNPT với định hướng tinh giản lao động gián tiếp, bổ sung cho đội ngũ lao động trực tiếp, đảm bảo đúng tiến độ, đồng thời thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người lao động. Cân đối nguồn nhân lực và phân bổ lao động hợp lý giữa hai khối kinh doanh – kỹ thuật, đảm bảo tỷ lệ lao động quản lý và chuyên môn nghiệp vụ chiếm dưới 10% tổng số; Tập trung lao động trực tiếp tham gia bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Thành công từ việc Nâng cao chất lượng mạng lưới và phát triển các dịch vụ Viễn thông – CNTT:
Năm 2010, khi mới hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, toàn bộ mạng viễn thông kèm theo các nguồn lực trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), địa bàn 04 xã thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình và địa bàn huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc do Viễn thông các tỉnh thành quản lý, khai thác được sáp nhập vào VNPT Hà Nội. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô đã đem lại nhiều cơ hội về môi trường kinh doanh cho VNPT Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, VNPT Hà Nội cũng phải đối mặt với những khó khăn: Khi hợp nhất, mạng lưới của VNPT Hà Nội có sự không đồng bộ giữa khu vực Hà Nội (cũ) và Hà Nội mở rộng, dẫn đến việc khai thác, quản lý cũng như chăm sóc khách hàng trên địa bàn có nhiều bất cập. Với đặc điểm địa bàn rộng, dân cư thưa, việc đầu tư xây dựng mạng lưới viễn thông trong khu vực Hà Nội mở rộng để đồng bộ với mạng lưới hiện có là vấn đề khó, đòi hỏi lãnh đạo VNPT Hà Nội phải nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư hiệu quả.
Theo đó, VNPT Hà Nội đã lập kế hoạch xây dựng đồng bộ mạng lưới, nâng cao chất lượng mạng, từng bước hoàn thiện công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ, chăm sóc khách hàng trên toàn địa bàn thành phố, xây dựng quy trình, quy định theo mô hình tổ chức sản xuất mới và rà soát, điều chỉnh lại các quy trình quy định để phù hợp với thực tiễn. Tích hợp mạng Viễn thông Hà Tây, huyện Mê linh, 4 xã thuộc Hòa Bình theo mô hình Hà Nội mở rộng. Đến hết năm 2012, đã triển khai hàng trăm dự án nhằm nâng cao năng lực mạng lưới với mục tiêu xây dựng đồng bộ mạng lưới với khu vực Hà Nội cũ. Đặc biệt, tập trung đầu tư dự án cáp và thiết bị thông tin vào các khu công nghiệp đang đựơc tích cực triển khai nhằm tạo điều kiện cung cấp dịch vụ Viễn thông, như: các khu đô thị, khu công nghệ cao trên địa bàn.Cùng với chương trình “Ngành Thông tin và Truyền thông chung sức xây dựng nông thôn mới” của Bộ Thông tin & Truyền thông, VNPT Hà Nội đã tập trung phát triển CSHT, mạng lưới công nghệ thông tin hiện đại, đồng bộ đến cấp cơ sở, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, dịch vụ, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí khu vực nông thôn; phổ cập các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin tới người dân nông thôn để xoá dần khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước.
Đến 2016, VNPT Hà Nội hoàn thành kết nối mạng WAN đến tất cả các phường xã, thị trấn; 100% số thôn xã, phường có Internet tốc độ cao, kể cả các xã vùng sâu vùng xa như xã đảo Minh Châu (Vĩnh Phúc), các xã miền núi huyện Ba Vì… Quang hoá toàn bộ mạng lưới để chuẩn bị tốt hạ tầng phục vụ khách hàng. VNPT Hà Nội cũng triển khai các điểm phát wifi tại các Nhà văn hoá, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các khu vực ngoại thành Hà Nội; Kịp thời đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của nhân dân; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận thông tin và ứng dụng tri thức, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn, VNPT Hà Nội đã chủ động phát triển các trạm phát sóng trên địa bàn thành phố, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng. Đến hết năm 2020 trên địa bàn Thành phố VNPT Hà Nội đã có trên 3200 trạm phát sóng BTS, phủ sóng tới khắp các vùng miền trên địa bàn. VNPT Hà Nội liên tục rà soát để xoá điểm đen, quyết tâm xây dựng độ phủ sóng chất lượng tốt nhất đối với khách hàng; Độ khả dụng các trạm phát sóng di động BTS qua các năm đều đạt từ 98 - 99,98%. Chất lượng các dịch vụ do VNPT Hà Nội cung cấp luôn đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Nâng cao chất lượng đội ngũ:
Với mục tiêu từng bước chuyển đổi mạnh mẽ thành nhà cung cấp các sản phẩm dịch vụ số, VNPT địa bàn Hà Nội luôn chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để kịp thời đáp ứng những yêu cầu của chiến lược VNPT 4.0.
100% đội ngũ nhân sự kỹ thuật viễn thông, nhân viên kinh doanh được đào tạo năng lực chung, năng lực hỗ trợ và năng lực chuyên môn để đạt chuẩn 4.0 theo quy định của Tập đoàn VNPT; 100% Nhân viên Kỹ thuật viễn thông có thể đáp ứng toàn trình cung cấp dịch vụ tới khách hàng;
Những kết quả đạt được giai đoạn 2010 – 2020:
Bằng những giải pháp đột phá và tích cực trên, VNPT Hà Nội đã đạt những kết quả xuất sắc trong SXKD giai đoạn 2010 – 2020.Tổng doanh thu địa bàn năm 2020 đạt 4.639 tỷ đồng bằng 156,6% so với thực hiện năm đầu giai đoạn. Năng suất lao động Năm 2020 đạt 1.9 tỷ đồng/ người /năm, bằng 256,5% so với NSLĐ năm đầu giai đoạn; Nghiêm túc thực hiện nộp ngân sách nhà nước đúng, đủ, đảm bảo đúng thời hạn. Riêng năm 2020, VNPT Hà Nội đã nộp ngân sách 393.7 tỷ đồng.
Cùng với kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, trong giai đoạn, VNPT Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao. Đảm bảo an toàn thông tin mạng lưới VT-CNTT phục vụ các sự kiện chính trị quốc gia, quốc tế, phục vụ hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, và nhân dân trên địa bàn Hà Nội. Đảm bảo các đường truyền phục vụ hệ thống giao ban trực tuyến đến cấp xã/phường; Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn Thành phố; thực hiện nhiều chương trình công tác với mục tiêu đưa các dịch vụ CNTT đến mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt thoả thuận hợp tác giữa Tập đoàn VNPT và UBND TP Hà Nội về Viễn thông – CNTT giai đoạn 2016 – 2020; Triển khai các dự án của Tập đoàn VNPT trên địa bàn Thành phố. Thực hiện đúng tiến độ chủ trương ngầm hoá các tuyến phố Hà Nội. Sau thời gian triển khai, đến nay, VNPT Hà Nội đã đầu tư và triển khai ngầm hoá trên 59 tuyến phố với kinh phí đầu tư cho công tác ngầm hoá hàng năm khoảng 50 tỷ đồng. Việc thực hiện ngầm hoá mạng lưới viễn thông, chỉnh trang các tuyến cáp, hộp, tủ cáp đã góp phần làm gọn sạch cảnh quan các tuyến phố, nâng cao mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn giao thông thành phố.