Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT là Công ty mẹ trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia Việt Nam, được thành lập ngày 9/1/2006, gồm có 75 đơn vị trực thuộc, 12 đơn vị hạch toán độc lập (trong đó có Tổng công ty Bưu chính Việt Nam) và 72 Công ty liên kết, với gần 90 ngàn CBCNV, trong đó gần 50% là lao động nữ, 35% có trình độ trên đại học và đại học.
Đảng bộ Tập đoàn là đảng bộ cấp trên cơ sở, trực thuộc Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, hiện có 63 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 4.547 đảng viên. Công đoàn Bưu điện Việt Nam trực thuộc Tổng Liên đoàn, hiện có 110 Công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc, 2.071 công đoàn cơ sở, công đoàn bộ phận và 7.363 tổ công đoàn trên toàn quốc.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được kế thừa truyền thống lịch sử gần 65 năm xây dựng và phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam.
Ngày 15/8/1945, ngành Bưu điện Việt Nam được thành lập và từ đó đã gắn liền với chiều dài của lịch sử cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng đất nước, từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ngành đã tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc phục vụ các cấp bộ Đảng, các lực lượng vũ trang trong mọi tình huống, đảm bảo Nhanh chóng - Chính xác - Bí mật - An toàn - Tiện lợi, góp phần to lớn vào những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Sau khi đất nước thống nhất, cán bộ công nhân viên ngành Bưu điện tiếp tục nêu cao tinh thần dũng cảm, sáng tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phát triển mạng lưới bưu chính viễn thông vững chắc, rộng khắp, phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và nhu cầu của xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện yêu cầu Đảng và Nhà nước giao, Lãnh đạo ngành Bưu điện đề ra những định hướng đúng đắn, giải pháp sáng tạo và quyết tâm tổ chức thực hiện nhằm xây dựng và hiện đại hoá bưu chính, viễn thông Việt Nam.
Táo bạo đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, bỏ qua công nghệ trung gian; lựa chọn công nghệ hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Mạnh dạn phá sự bao vây cấm vận bằng sự mềm dẻo, linh hoạt trong quan hệ quốc tế, lựa chọn đa dạng hoá các đối tác để tranh thủ vốn, công nghệ.
Dũng cảm thực hiện cơ chế tự vay tự trả, đi đầu trong chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, phá bỏ độc quyền, chấp nhận cạnh tranh để phát triển.
Sáng tạo giương cao ngọn cờ truyền thống, giữ gìn đoàn kết, xây dựng đội ngũ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ mới.
Những chủ trương lớn của Tập đoàn trong quá trình đổi mới được thể hiện qua các giai đoạn chiến lược cụ thể: Giai đoạn tăng tốc độ phát triển lần thứ nhất (1993 - 1995); Giai đoạn tăng tốc độ phát triển lần thứ hai (1996 - 2000); Giai đoạn hội nhập và phát triển (2001 - 2010).
Doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT
Trong giai đoạn hiện nay, Tập đoàn đã hoàn thành nhiều nội dung công việc có tính lịch sử quan trọng.
Thành tựu thứ nhất phải kể tới đó chính là sự kiện thành lập Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, là Tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước, với vai trò là doanh nghiệp chủ lực cung cấp các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và bưu chính, có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hoá cao, kết hợp nghiên cứu - đào tạo và sản xuất kinh doanh.
Thành tựu thứ hai, Tập đoàn đã hoàn thành việc chia tách bưu chính, viễn thông trong năm 2007, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam được thành lập và hoạt động từ 01/01/2008, tạo tiền đề cho việc chuyên môn hoá, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2008 của Tổng công ty Bưu chính đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương chia tách này.
Ngày 18/4/2008, Tập đoàn phóng thành công vệ tinh viễn thông Việt Nam VINASAT-1 lên quỹ đạo, thể hiện chủ quyền quốc gia trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Đây chính là thành tựu lớn thứ ba mà VNPT đã đạt được trong giai đoạn 1999-2008.
Kết quả của quá trình đổi mới, đã hiện đại hoá và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, xây dựng VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin, đóng góp hiệu quả cho công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.
Tập đoàn là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông (93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia; 75% thị phần Internet; 100% số xã có điện thoại của VNPT).
Hiện tại, Tập đoàn có 62.741.000 thuê bao điện thoại (tăng 90 lần so với năm 1995); 1.941.000 thuê bao Internet, MegaVNN.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu năm 2008 của Tập đoàn, so sánh với năm 1995 (kết thúc giai đoạn tăng tốc lần thứ nhất) như sau:
- Tổng doanh thu: 57.367 tỷ đồng, tăng 14 lần so với năm 1995.
- Tổng lợi nhuận: 13.126 tỷ đồng, tăng 13 lần so với năm 1995.
- Nộp ngân sách: 7.222 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 1995.
- Năng suất lao động: 709 triệu đồng/người/năm, tăng 7 lần so với năm 1995.
- Thu nhập bình quân: 5.330.000 đồng/người/tháng, tăng 4,5 lần so với năm 1995.
Sát cánh cùng cộng đồng thực hiện chính sách xã hội
Bên cạnh việc đóng góp với cộng đồng bằng các hoạt động chuyên ngành của mình, VNPT cũng chú trọng tham gia các hoạt động chính sách, xã hội. Thể hiện truyền thống nghĩa tình, tương thân tương ái của dân tộc, VNPT luônnỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ công ích vì cộng đồng, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện quyết định Thủ tướng Chính phủ về việc phân công giúp đỡ các tỉnh nghèo thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, VNPT đã giúp đỡ 4 xã đặc biệt khó khăn thuộc 2 tỉnh Bắc Giang và Lào Cai (thuộc Chương trình 135) xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ về giáo dục, y tế; giúp đào tạo cán bộ nguồn cho xã, phát triển văn hoá thông tin cơ sở... Tổng kinh phí hỗ trợ cho 4 xã trong 7 năm là 2.202,5 triệu đồng, được trích từ Quỹ phúc lợi tập trung của VNPT (bình quân mỗi xã 550,5 triệu đồng)…
Trong mục tiêu vì sự phát triển chung của xã hội, con người luôn được coi là yếu tố quan trọng nhất, do đó, VNPT đã chủ động phối hợp với Hội khuyến học Việt Nam xây dựng Quỹ “Học bổng VNPT vì sự nghiệp khuyến học Việt Nam” với tổng số 2000 suất học bổng trị giá 1tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VNPT cũng đặc biệt quan tâm tới các hoạt động chính sách xã hội. Qua 2 cuộc kháng chiến, gần một vạn liệt sĩ ngành Bưu điện đã hy sinh, trong đó còn trên 4.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; trên 8.000 thương - bệnh binh; 476 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng...
Với truyền thống “nghĩa tình”, “uống nước nhớ nguồn”, từ năm 1992 đến nay, mỗi CBCNV Bưu điện đã tự nguyện góp một phần thu nhập của mình để hỗ trợ và giúp đỡ các gia đình chính sách trong và ngoài Ngành như: tặng sổ tiết kiệm, xây tặng nhà tình nghĩa cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng gia đình liệt sĩ; các cán bộ lao thành cách mạng; xây dựng, nâng cấp tu sửa nghĩa trang liệt sĩ Ngành, Đài tưởng niệm liệt sĩ, tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, ủng hộ Quỹ Tấm Lòng Vàng, Nạn nhân chất độc da cam, các Trung tâm cứu trợ, Hội Người mù, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi...
Chỉ tính riêng việc chăm lo cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, VNPT đã nhận phụng dưỡng đến cuối đời 674 Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài trợ cấp thường xuyên, dành 13 tỉ đồng để xây dựng và sửa chữa 662 ngôi nhà tình nghĩa cho các Mẹ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VNPT Phạm Long Trận khẳng định, “Hiện VNPT đang chuyển sang hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế Nhà nước. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, VNPT sẽ không ngừng thúc đẩy những hoạt động xã hội, vì cộng đồng, xứng đáng là một Tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT, vì một đất nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, văn minh và giàu mạnh”.