|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, sau khi thực hiện tái cơ cấu thành công, VNPT đã chuyển sang một trang mới trong sự phát triển, thay đổi "cả về lượng và chất".
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai Công tác năm 2016 của Tập đoàn sáng nay, 24/12, Bộ trưởng đánh giá cao tình hình tài chính của VNPT trong năm qua, với những chỉ số ấn tượng như lợi nhuận tăng trưởng 20%, doanh thu tăng trưởng 7.5% so với năm 2014. "Vài năm trước, Tập đoàn còn phải vay vốn ngân hàng, nhưng hiện tại tài chính rất lành mạnh, đáp ứng đầy đủ nhu cầu mở rộng SXKD lẫn đầu tư phát triển. Có thể nói, 2015 là năm ghi dấu ấn đặc biệt trong sự phát triển của VNPT". Ghi nhận hoạt động tái cơ cấu của Tập đoàn là "đổi mới toàn diện, quyết liệt, khẩn trương và nghiêm túc", Bộ trưởng khẳng định sự đóng góp của Tập đoàn cho Chính phủ, cho Quản lý Nhà nước là rất lớn. "Sau tái cơ cấu, Tập đoàn vẫn mạnh với 3 Tổng công ty, lại đóng góp thêm một Học viện Công nghệ BC-VT trực thuộc Bộ TT&TT tầm cỡ quốc gia, 1 Cục Bưu điện Trung ương với vai trò đã được trở về xứng tầm với ý nghĩa trọng yếu của mình. Thị trường lại có thêm một Tổng công ty viễn thông MobiFone và Tổng công ty VNPost - đều vừa được Chính phủ công nhận là 2 Tổng công ty đặc biệt trong năm 2015". "Cán đích" tái cơ cấu Trước đó, ông Phạm Đức Long, TGĐ Tập đoàn cho biết ngay từ đầu năm 2015, VNPT đã chuẩn bị mọi điều kiện hoàn thiện bộ máy nhân sự cấp cao, thành lập 3 Tổng công ty. Tháng 5, VNPT đã công bố quyết định thành lập 3 Tổng Công ty gồm Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - VinaPhone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Đến cuối tháng 6/2015, VNPT đã công bố Quyết định thành lập các đơn vị kinh tế trực thuộc 3 Tổng Công ty. Từ ngày 1/7, 3 Tổng Công ty đã đi vào hoạt động theo mô hình mới. VNPT cũng đã triển khai bàn giao thử nghiệm 6 Trung tâm Kinh doanh của 6 VNPT tỉnh/thành về VNPT-VinaPhone. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT. Cũng trong tháng 7, sau khi 63 VNPT tỉnh/thành cơ bản hoạt động ổn định và bộ khung của 3 Tổng Công ty được hoàn thiện, VNPT đã bắt tay vào tổ chức sắp xếp lại các Ban/đơn vị chức năng tham mưu thuộc Cơ quan Tập đoàn theo hướng tinh giản bộ máy. Ngay sau khi mô hình được hoàn thiện và bộ máy nhân sự từ Tập đoàn đến các đơn vị được kiện toàn, VNPT đã tiến hành bàn giao nguồn lực theo mô hình 3 Tổng Công ty, đặc biệt là bàn giao 57 Trung tâm Kinh doanh VNPT tỉnh/thành còn lại về VNPT-VinaPhone được thực hiện vào đầu tháng 10/2015. Tính đến thời điểm này, 3 Tổng công ty của VNPT đã ổn định bộ máy, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, xây dựng các cơ chế quản lý nội bộ theo mô hình mới. Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển đơn vị kinh tế trực thuộc Tập đoàn cũng đã được thành lập. Song song với hoàn thiện mô hình tổ chức các cấp, trong năm 2015, VNPT cũng đã hoàn thành các nội dung khác của Đề án tái cơ cấu như: Thực hiện bàn giao các đơn vị của Tập đoàn về Bộ TT&TT, UBND tỉnh, thành phố quản lý theo quy định: Bàn giao Bưu điện Trung ương về Bộ TTTT; Bàn giao các trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I, III, Miền núi về UBND tỉnh Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên.... Tuy vậy, ông Long nhấn mạnh, năm 2015, VNPT mới hoàn thành tái cơ cấu khối dịch vụ viễn thông. Sang năm 2016, Tập đoàn sẽ tập trung tái cơ cấu khối CNTT; bám sát các định hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng CNTT với các dịch vụ công, lĩnh lực thuế, hải quan, y tế... của Chính phủ, các Bộ/Ngành để triển khai cung cấp các dịch vụ CNTT của VNPT; Phát triển hệ sinh thái các bộ giải pháp CNTT phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội, thuế. Hiện tại, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với 42 UBND tỉnh/thành, Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp lớn.
Thanh Bình (Nguồn tin: Theo Vietnamnet)
|
|