Trong phiên chất vấn sáng 17/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về việc bố trí quá nhiều cột ăng-ten viễn thông trong khu dân cư và độ an toàn của các cột ăng-ten đó.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngành Thông tin và Truyền thông là một trong những ngành đóng góp ngân sách nhà nước khá nhiều và ngày càng tăng. Đạt được vai trò đó có vai trò rất quan trọng của hạ tầng viễn thông, trong đó có hạ tầng viễn thông thụ động là cột, trạm, ăng-ten, trạm thu phát sóng.
“Để đem lại chất lượng này thì phải có cột phát sóng, có trạm thu phát sóng. Trước đây chúng ta phát triển nóng giai đoạn 1990-2009, chưa có quy hoạch, chưa có Luật Viễn thông, việc cắm trạm cột chưa có quy hoạch, gây nên sự phản cảm, đồng thời mất an toàn. Tuy nhiên, hiện nay có 30 tỉnh, thành đã quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để góp phần ngăn cản những hiện tượng mất phản cảm, mất an ninh, an toàn cho người dân. Chúng tôi đã gửi văn bản này và nội dung Thông tư số 14 cho đại biểu Phương, nhưng rất tiếc hình như đại biểu Phương không đọc Luật viễn thông và Nghị định 25, đặc biệt là không đọc Thông tư 14 của chúng tôi, trong đó đã nêu rất rõ là hạ tầng viễn thông thụ động được cắm trên nóc nhà. Điều 40, 41, 42 Nghị định 25 ghi rất rõ là "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động và chịu trách nhiệm điều hành trên địa phương của mình" - Bộ trưởng nêu rõ.
Về câu hỏi đại biểu Phương đặt ra là “tại sao cắm ở nóc nhà, trong khu dân cư?”, Bộ trưởng khẳng định, tất cả hạ tầng viễn thông thụ động này phải nằm trong khu dân cư mới phục vụ chất lượng ngày càng tốt hơn cho người dân.
“Hiện nay chúng ta đã có 140.408 trạm nằm ở khu dân cư. Điều 41 nói là "tất cả các cá nhân, tổ chức xây dựng các khu chung cư có nhiều người dân ở phải dành phần để cho các doanh nghiệp viễn thông cắm cột ăng ten trên mái nhà" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói và cho biết, đây là những loại không cồng kềnh, bảo đảm an toàn.
Bộ trưởng cũng thông tin, Tổ chức y tế thế giới WHO đã nghiên cứu và nhiều lần khẳng định lại là tần số của hoạt động điện thoại di động hiện nay không phải là bức xạ ion hóa như tia X hoặc tia gama nên không ảnh hưởng, không tạo ra hiện tượng ion hóa và phóng xạ ảnh hưởng cho sức khỏe con người.
“Chính vì vậy, chúng tôi rất mong muốn thực hiện quy hoạch của các tỉnh thành để xây dựng các hạ tầng viễn thông tự động, trong đó có cột thu phát sóng ăng – ten không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước ủng hộ cho việc phát triển hạ tầng viễn thông này. Hạ tầng viễn thông phát triển tốt thì mang theo chất lượng viễn thông phát triển tốt. Chất lượng viễn thông tốt hơn thì doanh thu góp cho đất nước ngày càng cao hơn” - Bộ trưởng đề nghị.
Trang thông tin điện tử là cánh tay nối dài của báo chính thống
Về vấn đề truyền thông xã hội (trang tin điện tử), Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong Nghị định 72 ghi rõ: "Trang thông tin điện tử tổng hợp được trích dẫn nguyên văn các văn bản quy phạm pháp luật, các bài báo và các tài liệu liên quan ở trên các trang thông tin điện tử cũng như ở trên mạng chính thống", tức là trích nguyên văn". “Như vậy, có thể nói, nếu chúng ta sử dụng tốt các trang thông tin điện tử này cũng góp phần là cánh tay nối dài để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước” - Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng nhận định, trang thông tin điện tử là một nơi hội tụ, chia sẻ, giao lưu đối với người dân, đây là mặt tốt để đem lại các thông tin hiệu ứng xã hội rất tốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận có tình trạng lợi dụng trang thông tin điện tử để có những hoạt động phi pháp như việc ăn cắp bản quyền hoặc làm những việc vi phạm đến quyền tự do, chính đáng của người khác, thậm chí vi phạm an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, trong Nghị định 72, Điều 5 đã đưa ra những chế tài, những điều cấm và trong thời gian vừa qua, Bộ đã có những văn bản nhất định để hướng dẫn và hiện nay đã có Thông tư 04, Thông tư 20 để quản lý tốt hơn nữa việc phục vụ, khai thác và sử dụng trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội.
“Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp quan trọng, cụ thể tiếp tục chấn chỉnh hơn nữa việc các sai phạm bằng các quy phạm pháp luật cụ thể” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói và dẫn chứng việc thu hồi một số giấy phép của các trang thông tin điện tử gần đây được xã hội hưởng ứng.
Tin nhắn rác là do 111 triệu thuê bao trả trước
Về vấn đề tin nhắn rác gây bức xúc cho người dân, Bộ trưởng cho biết, đây là hiện tượng không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà ở rất nhiều nước trên thế giới. “Hiện nay, trong 121 triệu thuê bao di động có 111 triệu thuê bao trả trước, còn lại trả sau rất ít. Chính vì trả trước quản lý chưa tốt dẫn đến sim rác, sim ảo. Hầu hết tin nhắn rác đều xuất phát cơ bản từ sim rác thuê bao trả trước. Chính vì vậy, việc ngăn chặn thuê bao trả trước này đang đặt ra trách nhiệm rất lớn cho xã hội, trực tiếp là Bộ Thông tin và Truyền thông” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thẳng thắn thừa nhận. Bộ trưởng cho biết, để hạn chế tình trạng này, hiện nay Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ra Nghị định 90 năm 2009 và vừa rồi sửa đổi Nghị định 90 để chống tin rác và thư rác.
“Bản thân Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư số 14 để quản lý thuê bao trả trước, Thông tư số 04 để kê khai danh tính những người đăng ký thuê bao trả trước. Chúng tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội cũng như các cử tri ủng hộ cho việc này. Khi chúng ta tiếp cận một sim điện thoại, phải kê khai danh tính và chụp lại chứng minh thư của mình để lưu lại” - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đề nghị.