Cụ thể, số lượng thuê bao FiberVNN phát triển mới trong hai tháng đầu năm của VNPT đạt 255.000 thuê bao, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số lượng thuê bao cáp đồng rời mạng lại chỉ bằng gần một nửa so với năm trước. Nhờ vậy, so với cùng kỳ năm trước, tổng số thuê bao internet băng rộng phát triển mới bằng 529,8%.
Rõ ràng quá trình tái cấu trúc quyết liệt trong vài năm gần đây đã thực sự đem lại hiệu quả, giúp VNPT trở nên mạnh hơn. Năm 2016, thị trường đã chứng kiến cuộc chạy đua quyết liệt của VNPT trong các mảng dịch vụ truyền thống (di động và internet). Tính tới cuối năm 2016, thị phần thuê bao mảng internet cáp quang của VNPT đã đạt 44,8% (tăng 11,5% so với năm 2015), đưa VNPT trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trên thị trường cáp quang và tiếp tục củng cố vững chắc vị trí số 1 trên thị trường internet cố định.
Chỉ trong vòng 1 năm, thị phần thuê bao cáp quang của VNPT đã tăng 11,5%.
Chỉ trong vòng 1 năm, thị phần thuê bao cáp quang của VNPT đã tăng 11,5% (Nguồn: VNTA).
Lý giải nguyên nhân tạo được sự tăng trưởng mạnh mẽ này, ông Trần Mạnh Hùng - chủ tịch HĐTV của Tập đoàn này cho biết tái cấu trúc đã đem lại sự thay đổi về chất cho VNPT, nhất là trong hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, giúp dịch vụ của VNPT nói chung và dịch vụ FiberVNN nói riêng đáp ứng được cả ba tiêu chí khách hàng cần: chất lượng tốt, giá thành rẻ và thời gian cung cấp nhanh chóng.
Trong vòng 3 năm qua, dung lượng hệ thống mạng trục (Backbone) của VNPT đã tăng gấp 3 lần, dung lượng kết nối internet quốc tế đã tăng gấp 5 lần. Ngay khi dung lượng truyền dẫn đạt ngưỡng 70% tổng dung lượng hệ thống, VNPT lập tức đầu tư mở rộng. Việc vẫn đảm bảo truy cập internet quốc tế và trong nước ổn định cho khách hàng trên cả nước trong bối cảnh cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế đồng loạt gặp sự cố là minh chứng rõ nét cho thấy VNPT đã đầu tư một hạ tầng truyền dẫn quốc tế rất mạnh.
Các cơ chế quản lý, điều hành, phân nhiệm cũng hợp lý hơn, linh hoạt hơn, bắt nhịp nhanh chóng với sự thay đổi của thị trường, góp phần giảm giá cước dịch vụ, gây sức ép cạnh tranh khá lớn lên các đối thủ. Việc đẩy mạnh mảng sản xuất công nghệ công nghiệp đã giúp VNPT hoàn toàn tự chủ được mảng thiết bị đầu cuối, rút ngắn đáng kể thời gian cung cấp dịch vụ tới khách hàng.
Hiện mạng lưới internet cáp quang của VNPT đã phủ sóng tới khoảng 93% số xã trên toàn quốc. Năm 2017, VNPT cho biết sẽ nâng tỷ lệ này lên mức 97% và nhiều khả năng giá cước dịch vụ sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa bởi VNPT sẽ đưa vào áp dụng nhiều quy trình, hệ thống mới để nâng cao hiệu quả, giảm chi phí. Kế hoạch này của VNPT chắc chắn sẽ khiến thị trường internet Việt Nam tiếp tục “nóng”.
Ngoài mảng internet băng rộng, tại buổi họp VNPT cũng cho biết kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này trong hai tháng đầu năm tương đối khả quan. Doanh thu thực hiện tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận cũng tăng hơn 10%. Đặc biệt, kết quả phát triển thuê bao di động mới đã đem lại hiệu quả thực chất hơn rất nhiều. Trong số hơn 1,5 triệu thuê bao di động phát triển mới, có tới 893.000 thuê bao có phát sinh cước, không tính các thuê bao chỉ nhận cuộc gọi.