Tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của ngành bưu điện cùng với sự chủ động, nỗ lực sáng tạo không ngừng, VNPT đang tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để xứng đáng là nhà khai thác mạng lưới, cung cấp dịch vụ và sản xuất thiết bị bưu chính viễn thông - công nghệ thông tin (BCVT - CNTT) chủ lực của Nhà nước.
Dấu ấn VNPT
Vào những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sau thời gian dài bị chiến tranh tàn phá, mạng lưới và cơ sở vật chất của ngành bưu điện còn nghèo nàn và lạc hậu. Năm 1986, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng VI, ngành bưu điện bắt tay vào thực hiện công cuộc đổi mới một cách toàn diện.
Trước những yêu cầu cấp thiết của công cuộc CNH - HÐH đất nước, thực hiện yêu cầu Ðảng và Nhà nước giao, lãnh đạo ngành bưu điện đề ra những định hướng đúng đắn, giải pháp sáng tạo và quyết tâm tổ chức thực hiện nhằm xây dựng và hiện đại hóa mạng lưới bưu chính, viễn thông Việt Nam với tinh thần: Táo bạo đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, bỏ qua công nghệ trung gian; lựa chọn công nghệ hiện đại, đồng bộ, tương đồng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Bằng tinh thần tự lực, tự cường và tư duy đổi mới, ngành bưu điện đã chủ động áp dụng cơ chế tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm với nhiều hình thức huy động vốn khác nhau để đầu tư, mở rộng, hiện đại hóa và nhanh chóng số hóa mạng lưới. Cuối năm 1989, đầu năm 1990, những tổng đài kỹ thuật số Alcatel E10B đầu tiên được lắp đặt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cùng với những dịch vụ truyền thống, hàng loạt các dịch vụ mới được đưa vào khai thác. Ðóng góp vào những bước tiến thần kỳ đó của ngành bưu điện trong thời kỳ CNH-HÐH đất nước, có vai trò tích cực của VNPT. VNPT luôn đi đầu trong việc ứng dụng, cập nhật các công nghệ hiện đại vào mạng lưới. Kết thúc Chiến lược tăng tốc độ phát triển BCVT giai đoạn 1993 - 2000, cơ sở hạ tầng của BCVT - CNTT Việt Nam đã được hiện đại hóa, phát triển vượt bậc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Bước sang giai đoạn hội nhập và phát triển, VNPT tiếp tục phát triển trên cơ sở những thành tựu của giai đoạn tăng tốc, đồng thời dần chuyển biến, thay đổi tư duy để thích ứng với môi trường kinh doanh có sự tham gia cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông - CNTT mới. Có thể khẳng định, kết quả của quá trình đổi mới đã hiện đại hóa và phát triển bưu chính, viễn thông Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực, xây dựng VNPT trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò chủ lực trong lĩnh vực BCVT- CNTT, đóng góp hiệu quả cho công cuộc CNH-HÐH đất nước.
Tháng 12-2003, mạng điện thoại của VNPT đạt bảy triệu thuê bao, đưa mật độ điện thoại của Việt Nam lên tám máy/100 dân, hoàn thành trước hai năm chỉ tiêu mà Ðại hội Ðảng IX đề ra cho năm 2005. Ðón đầu xu hướng phát triển công nghệ của thế giới, tháng 10-2004, VNPT đã chính thức khai trương và đưa ra khai thác các dịch vụ trên nền mạng NGN. Một bước chuyển biến mang tính cách mạng về công nghệ đối với toàn bộ mạng viễn thông Việt Nam. Ðến năm 2005, VNPT đã có 17 nghìn điểm phục vụ BCVT, trong đó có hơn 7.500 điểm bưu điện - văn hóa xã (BÐ-VHX). VNPT cũng là nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét lớn nhất với hơn 1,3 triệu thuê bao in-tơ-nét. Tháng 4-2008, VNPT tiếp tục ghi dấu ấn của mình khi thực hiện phóng thành công vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam VINASAT-1, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ VT - CNTT, phát thanh, truyền hình. Cho đến nay, dung lượng của vệ tinh VINASAT - 1 đã được khai thác gần hết và dự kiến đến cuối năm 2010 sẽ được khai thác hết. VNPT dự kiến sẽ phóng vệ tinh VINASAT 2 vào quý I-2012.
Ðổi mới toàn diện
Năm 2009, trong bối cảnh nền kinh tế đất nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, bên cạnh các giải pháp kích cầu, Chính phủ đã có yêu cầu cao hơn về chỉ tiêu tăng trưởng đối với các tập đoàn, tổng công ty chủ lực của nền kinh tế, trong đó có VNPT. Ðây thực sự là một thử thách đối với VNPT, trong điều kiện VNPT vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện quá trình tái cơ cấu, đồng thời mức độ cạnh tranh của thị trường BCVT - CNTT tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Trước tình hình đó, với quyết tâm và trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế chủ lực, VNPT đã xác định phải đổi mới toàn diện và vượt qua chính mình. Ðặc biệt, năm 2009, với quyết tâm khẳng định là doanh nghiệp số một trong lĩnh vực BCVT - CNTT, VNPT đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tư duy trong sản xuất kinh doanh (SXKD) với việc xây dựng kế hoạch SXKD ở mức phấn đấu cao nhất, thể hiện sự quyết tâm lớn nhằm đạt tổng doanh thu phát sinh tăng 29,5% so năm 2008.
Năm 2010, VNPT phấn đấu đạt mục tiêu hơn 100 nghìn tỷ đồng doanh thu. Ðến nay, qua sáu tháng đầu năm, doanh thu đã đạt được hơn 43 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 42%, tăng trưởng hơn 29% so năm 2009. Dự kiến năm 2010, VNPT đạt con số 100 nghìn tỷ đồng doanh thu là hết sức khả thi. Hoạt động SXKD của tất cả các đơn vị thành viên trong VNPT đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ, toàn diện: từ định hướng sản phẩm, dịch vụ sang định hướng khách hàng; bám vào mục tiêu, nhiệm vụ để đổi mới tổ chức, con người và cơ chế; nâng cao nhận thức trong đội ngũ CBCNV về vị trí, vai trò, thách thức, mục tiêu của VNPT... từ đó tạo ra một khí thế mới trong toàn thể đội ngũ, làm việc với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao, chủ động sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ vì mục tiêu chung. Ðến nay, VNPT là doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng rộng lớn nhất trong các doanh nghiệp khai thác viễn thông với 93% cơ sở hạ tầng của mạng điện thoại cố định; gần 60% cơ sở hạ tầng mạng điện thoại di động quốc gia; 75% thị phần in-tơ-nét; 100% số xã có điện thoại. VNPT cũng hiện có 18.800 điểm phục vụ BCVT - CNTT, bán kính phục vụ bình quân đã được rút ngắn xuống còn 2,41 km/điểm, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ BCVT của người dân, 96% số xã trên cả nước đã được đọc báo trong ngày. Hệ thống bưu cục và điểm BÐ - VHX đã thường xuyên đáp ứng tốt mọi nhu cầu thông tin cho Ðảng, chính quyền các cấp và nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trên toàn quốc.
Ðể thực hiện ngày một tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy SXKD, VNPT đã xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với quan điểm phát triển bền vững, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vai trò tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, vươn ra thị trường quốc tế. VNPT cũng đặt mục tiêu chiến lược đến năm 2015 trở thành một trong 10 nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp VT - CNTT hàng đầu khu vực châu Á với doanh thu tương đương từ 14 đến 15 tỷ USD, lợi nhuận từ 23 đến 23,6 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách từ 13,6 đến 14 nghìn tỷ đồng và đến năm 2020, phấn đấu đạt doanh thu tương đương 28 đến 30 tỷ USD.
Trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, VNPT đã và đang tiếp tục đổi mới toàn diện để vượt qua chính mình. Ghi nhận những nỗ lực đó, vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký Quyết định số 2056/QÐ-CTN về việc phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho VNPT vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo từ năm 1999 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ðây chính là dấu ấn quan trọng, thể hiện sự tiếp nối xứng đáng truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, CNH - HÐH đất nước của ngành bưu điện.