|
Ngày 15/3/2016, Tập đoàn VNPT tiếp nhận thông tin phản ảnh từ một số khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định, nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, giả mạo VNPT nhắc nợ cước với nội dung: “Đây là tổng đài VNPT, chúng tôi xin thông báo quý khách hiện đang còn nợ số tiền cước là 8.890.000đ, nếu quý khách không chuyển tiền vào tài khoản, thì chúng tôi sẽ khoá máy sau 2 giờ. Vui lòng bấm số 9 để nghe thông báo...”
VNPT Hà Nội khuyến cáo quý khách hàng cảnh giác trước hiện tượng lừa đảo qua điện thoại như trên hiện đang diễn ra tại một số địa phương trên cả nước. Mục đích của chúng là thu thập trái phép các không tin cá nhân của khách hàng (tên, tuổi, địa chỉ, số CMTND, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng ...), chiếm đoạt tiền bằng cách cung cấp số tài khoản không phải của VNPT để khách hàng thanh toán hoặc hướng dẫn khách hàng bấm số gọi lại và chuyển tiếp cuộc gọi vào các đầu số dịch vụ giá cước cao để hưởng cước phí gọi đi. Thủ đoạn lừa đảo: Cuối năm 2015, cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an đã bóc gỡ một nhóm đối tượng do Nguyễn Văn Thiên, 34 tuổi, trú tại phường Trảng Dài, thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai cầm đầu, thực hiện hàng loạt vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhằm vào những người nhẹ dạ bằng cách giả danh Công an, Viện kiểm sát ... sau khi được "tập huấn" tại Trung Quốc. Tại Phúc Kiến, Trung Quốc, nhóm đối tượng người Việt Nam được bố trí cho ở trong một căn nhà hai tầng, tầng một được ngăn làm các phòng nhỏ có lắp đặt máy tính, thiết bị công nghệ cao, điện thoại, bộ đàm. Thiết bị công nghệ cao này có khả năng tạo ra bất cứ số điện thoại nào mà chúng muốn, số điện thoại này sẽ hiện lên vào máy điện thoại bàn có chức năng hiển thị số hoặc máy điện thoại di động của người nghe. Sau khi luyện lý thuyết và thực hành nhuần nhuyễn trong vòng khoảng 40 đến 45 ngày, các đối tượng bắt đầu thực hiện hành vi lừa đảo. Các vụ lừa đảo của nhóm này được chia thành bốn giai đoạn. Giai đoạn một: các đối tượng giả mạo là nhân viên tổng đài của Bưu điện, gọi vào máy điện thoại để bàn của bị hại, tự xưng là nhân viên Bưu điện, thông báo thuê bao của bị hại đang nợ cước số tiền 8,9 triệu đồng. Khi bị hại đang ngơ ngác cãi lại không hề nợ cước, "nhân viên Bưu điện" lại hỏi tiếp, gia đình có mấy số điện thoại bàn thuê bao và đọc ra số điện thoại bàn nợ tiền cước khác với số của bị hại. Sau đó, “nhân viên bưu điện” cho rằng, bị hại đã bị đánh cắp chứng minh nhân dân (CMND) nên người khác mới có thể sử dụng CMND này để thuê bao số điện thoại nợ cước trên. Người này yêu cầu bị hại đọc số CMND và một số thông tin về nhân thân khác như số điện thoại di động để chuyển cho cơ quan Công an xác minh. Ở giai đoạn hai, đối tượng giả danh là Công an hoặc cán bộ Viện kiểm sát, gọi đến điện thoại di động của bị hại. Lúc này, hệ thống thiết bị công nghệ cao của các đối tượng sẽ tự động đẩy số điện thoại của trực ban Công an hoặc Viện Kiểm sát các tỉnh, thành, nơi bị hại đang ở vào máy di động của bị hại. Để làm được điều này, các đối tượng đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng, chúng lấy số điện thoại trực ban của Công an ở các tỉnh, thành qua mạng Internet… sau đó chúng sử dụng thiết bị công nghệ cao tạo số như ý muốn. Chính điều này khiến người bị hại dễ dàng rơi vào cái bẫy của những kẻ lừa đảo. Trong quá trình nói chuyện, đối tượng sẽ thông báo cho người bị hại, số CMND của bị hại còn bị kẻ khác lợi dụng để mở tài khoản trong đường dây mua bán ma túy hoặc rửa tiền. Sau đó, “vị công an” yêu cầu người bị hại cung cấp thông tin về việc mở tài khoản tại ngân hàng, dọa rằng tài khoản trên vì liên quan đến tội phạm nên sẽ phải đóng lại trong 18 tháng. Phương án thứ hai các đối tượng đưa ra, đó là rút tiền trong tài khoản của mình để chuyển vào tài khoản của cơ quan Công an, trong vòng 24 giờ, nếu cơ quan Công an xác minh không liên quan sẽ chuyển trả lại tiền. Không muốn tiền của mình bị “đóng băng” trong 18 tháng, nhiều bị hại đã chọn phương án hai. Giai đoạn thứ ba có thêm sự hỗ trợ của đối tượng đóng vai trò là cấp trên của cán bộ Công an hoặc Kiểm sát viên để đọc số tài khoản cho người bị hại chuyển tiền vào. Bước cuối cùng là thực hiện việc rút tiền. Ở đây sẽ có hai hình thức: Nếu người bị hại chuyển số tiền lớn, chúng yêu cầu bị hại chuyển vào tài khoản của các đối tượng nằm trong đường dây để thuận tiện cho việc rút tiền. Nếu số tiền nhỏ, chúng chuyển tiền vào các tài khoản nhỏ, lẻ mà trước đó chúng đã đi mua, thu gom… của công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn cả nước. Một điều tra viên của Phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, đơn vị thụ lý vụ án cho biết: Bọn cầm đầu bố trí 2 đối tượng người Trung Quốc ăn, ở ngay tại Móng Cái (Quảng Ninh) và thuê một người Việt Nam làm phiên dịch để thực hiện việc rút tiền lừa đảo được tại các cây ATM và các phòng giao dịch của một số ngân hàng tại Móng Cái, sau đó thuê chuyển ngay về Trung Quốc. Sở dĩ bọn chúng chọn người Trung Quốc sang rút tiền vì chúng biết tại các cây ATM đều có máy camera, nhận dạng chúng sẽ khó hơn người bản địa. Cũng theo điều tra viên thì trong “giáo trình” lừa đảo, các đối tượng cầm đầu cũng “dạy” các đối tượng trong đường dây cả cách khai báo hòng tránh tội khi bị Công an Việt Nam bắt giữ. Khuyến cáo khi gặp đối tượng nghi vấn lừa đảo: - Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc làm theo dẫn dụ bấm các phím số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ. - Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác, vì dễ dàng tiếp tay cho băng nhóm lừa đảo công nghệ cao... - Thông báo ngay cho cơ quan công an khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết. Không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm. - Phát hiện và báo ngay cho cơ quan công an những đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao như thu mua CMND, thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Master Debit) hoặc CMND có dấu hiệu dán ảnh lại để mở một số thẻ tín dụng. - Chú ý những vật lạ trên máy ATM, nếu nghi vấn vật lạ có thể là thiết bị lấy trộm thông tin thẻ thì phải báo ngay cho ngân hàng quản lý ATM đó để xử lý. - Khi nhập mật khẩu tài khoản, cần lấy tay che hoặc dùng giấy che bàn phím để tránh thiết bị lạ ghi nhận thông tin trên thẻ. - Không đưa thẻ cho người khác sử dụng; tránh để đối tượng xấu lợi dụng khi giao dịch mua sắm, trả tiền taxi bằng thẻ ATM, vì thông tin dễ bị lộ khi đưa vào thiết bị thanh toán tiền. - Nên sử dụng dịch vụ báo nợ tự động của ngân hàng qua điện thoại di động, để thường xuyên giám sát tài khoản trong thẻ của mình.
Thanh Bình (Nguồn tin: VP VNPT Hà Nội)
|
|