Tạo đà cho sự bùng nổ của IoT tại Việt Nam
Trong cuộc gặp riêng bên lề hội nghị, một số doanh nghiệp ICT của Pháp đã giới thiệu với đoàn Việt Nam những công nghệ kết nối tiên tiến, giúp nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ di động tại Việt Nam cũng như tạo đà cho sự bùng nổ của IoT tại Việt Nam.
Trong đó có hai công nghệ nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt bởi tính năng và tính khả thi trong triển khai. Sigfox là công ty chuyên cung cấp các giải pháp cho IoT và giải pháp công ty này giới thiệu với đoàn cho phép kết nối các thiết bị mà chúng không cần bật nguồn hoặc thậm chí là không cần tới pin. Thiết bị sẽ dùng năng lượng xung quanh để chuyển hoá dùng cho kết nối.Tính khả thi để triển khai là rất cao bởi chi phí kết nối sắp tới sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5 cent/thiết bị (tương đương khoảng 220 đồng).
Tổng Giám đốc VNPT, ông Phạm Đức Long cho biết đã làm việc với Sigfox cách đây không lâu, đã nhận ra tính ưu việt của hệ thống này và sẽ sớm triển khai giải pháp này.
Còn công ty Be-Bound thì giới thiệu công nghệ kết nối mạng trong điều kiện sóng yếu. Đại diện công ty này cho biết lĩnh vực viễn thông Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong thời gian qua, phủ sóng di động tới hơn 90% dân số cả nước, đưa dịch vụ di động, internet di động trở thành những dịch vụ viễn thông cơ bản, phổ biến đối với đại đa số người dân. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thực tế rằng bên cạnh việc chất lượng dịch vụ khá tốt ở các khu vực thành thị, đông dân cư song một số vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa chất lượng sóng vẫn thấp. Giải pháp công nghệ của Be-bound cho phép kết nối vẫn được đảm bảo dù chất lượng sóng kém thế nào. Dự án đã thành công ở Ấn Độ, Bangladesh với chi phí đầu tư không quá cao.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung đánh giá cao công nghệ này và đã đề nghị Be-Bound tổ chức giới thiệu sâu về công nghệ và khả năng kết nối với mạng viễn thông Việt Nam. Cục sẵn sàng tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.
Pháp sẽ chuyển hướng sang tài trợ cho các dự án ICT tại Việt Nam
Tại buổi gặp gỡ, trước những thông tin Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ về hiện trạng ngành ICT Việt Nam, về các chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNTT-TT của Việt Nam cùng hành lang pháp lý minh bạch, rất nhiều doanh nghiệp ICT Pháp đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được hợp tác. Việt Nam đang là điểm đến số một trong khu vực của các tập đoàn ICT đa quốc gia, đặc biệt từ các nước Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các doanh nghiệp Pháp cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội này. Chỉ trong 2 giờ đồng hồ, hàng chục cuộc gặp song phương, đa phương giữa doanh nghiệp ICT Việt - Pháp đã diễn ra.
Phó Giám đốc phụ trách xuất nhập khẩu của Cơ quan xúc tiến Thương mại Pháp khẳng định quyết tâm của các doanh nghiệp Pháp khi chọn Việt Nam để đầu tư. Đại diện Cơ quan phát triển Pháp AFD, cơ quan thực hiện việc cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng, đối tác chính thức Việt Nam từ 2012 cũng có mặt tại cuộc gặp mặt và cho biết: "Chúng tôi đã tài trợ dự án xử lý nước sông Đồng Nai, xây đường tàu điện ngầm tại Hà Nội, dựng đường điện cao thế cùng EVN... và chúng tôi đang chuyển sang tài trợ cho các dự án ICT. Việt Nam đáp ứng được các điều kiện thì chắc chắn sẽ nhận được nguồn vốn ưu đãi".
Các doanh nghiệp viễn thông lớn trong nước cũng giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp nổi bật mình đang cung cấp. Ví dụ, VNPT giới thiệu giải pháp Thành phố thông minh của mình. Giải pháp hiện đang được nhiều tỉnh thành trên cả nước lựa chọn để triển khai.
Những giải pháp này một lần nữa chứng minh cho tiềm lực mạnh cả về vốn, công nghệ, đội ngũ nhân lực và kinh nghiệm quản lý, khai thác của các doanh nghiệp Việt. Hiện nay, tại Paris, thủ đô của Pháp đã có sự hiện diện của hai doanh nghiệp ICT lớn nhất tại Việt Nam là VNPT và Viettel.