80% tổng số kết nối 4G toàn cầu tập trung ở 10 quốc gia
Theo số liệu thống kê của tổ chức GMSA, sau 8 năm chính thức có mặt trên thị trường, tới cuối năm 2016, lượng kết nối 4G-LTE đang chiếm khoảng 25% tổng số kết nối di động toàn cầu và sóng 4G đã phủ tới 2/3 dân số thế giới. 4G cũng được coi là công nghệ di động có tốc độ tăng trưởng kết nối nhanh nhất từ từ trước tới nay.
Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng thì 4G không phải phát triển và phổ biến như chúng ta nghĩ. Hiện 4G đã có mặt ở 188 quốc gia trên thế giới song mới chỉ được coi là phổ biến ở 21 quốc gia. 3G đang được coi là phổ biến ở 37 quốc gia, số còn lại kết nối phổ biến là 2G.
Theo GSMA, dự báo tới năm 2020, với việc có thêm khoảng 1,6 tỷ kết nối 4G mới, mức thâm nhập 4G của toàn cầu sẽ tăng lên con số 40%. Số mạng triển khai 4G sẽ tăng thêm 30% và 4G sẽ phủ sóng ¾ dân số thế giới. 150 quốc gia sẽ có mức thâm nhập 4G đạt mức 30% trở lên.
Theo GSMA, dự báo tới năm 2020, với việc có thêm khoảng 1,6 tỷ kết nối 4G mới, mức thâm nhập 4G của toàn cầu sẽ tăng lên con số 40%. Số mạng triển khai 4G sẽ tăng thêm 30% và 4G sẽ phủ sóng ¾ dân số thế giới. 150 quốc gia sẽ có mức thâm nhập 4G đạt mức 30% trở lên.
Một số thị trường triển khai 4G sớm như Hàn Quốc, Australia và Mỹ, 4G đang là những quốc gia có mức thâm nhập 4G cao nhất hiện nay (khoảng hơn 60%). Tại các quốc gia này, các nhà mạng đã bắt đầu chuyển hướng tập trung để nghiên cứu và triển khai 5G.
Mức thâm nhập 4G trung bình tại các quốc gia phát triển hiện vào khoảng trên dưới 40% thì có tới 38 quốc gia (trong đó có cả Hy Lạp, Israel, Nga…), mức thâm nhập 4G chưa tới 20%, dù sóng 4G đã phủ rộng khắp.
Còn tại các quốc gia đang phát triển, mức thâm nhập 4G trung bình hiện nay vào khoảng 20% song 2/3 tổng số kết nối 4G của nhóm quốc gia này đang nằm ở Trung Quốc (với mức thâm nhập 4G của đang vào khoảng 57%). Các quốc gia đang phát triển còn lại, mức thâm nhập 4G đều chưa tới 10%.
Lý do nào khiến 4G chưa được phổ biến?
Theo các phân tích đánh giá, một trong những nguyên nhân được xác định là người dùng bị hạn chế trong việc sử dụng các ứng dụng tiêu dùng dữ liệu lớn (ví dụ như các dịch vụ video streaming) do chi phí dịch vụ và thiết bị đầu cuối khá cao so với người dân.
Còn ở một số quốc gia phát triển ví dụ như Philippines và Mexico, ngoài giá cước dịch vụ, nguyên nhân chủ yếu là do lượng người dùng 4G còn hạn chế là do kỹ năng sử dụng các thiết bị số như điện thoại thông minh, máy tính bảng phục vụ công việc, cuộc sống còn thấp.
4G tại Việt Nam sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến?
Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có khoảng 44 triệu người dùng 3G (chiếm khoảng 37% tổng số người dùng di động cả nước). Với những cách tiếp cận người dùng khá tốt của các nhà mạng trong nước hiện nay, 4G tại Việt Nam có thể sẽ phổ biến khá nhanh.
Đầu tháng 11 năm ngoái, VNPT VinaPhone đã chính thức khai trương dịch vụ tại Phú Quốc. Ngay sau đó, VinaPhone và hai mạng lớn còn lại là Viettel và đều chạy đua trong việc xây dựng hạ tầng 4G tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Theo thông tin được VinaPhone và Viettel cho biết, trong vài ngày tới hai nhà mạng này sẽ khai trương dịch vụ 4G tại một số tỉnh thành phố, mở rộng khu vực người dùng có thể trải nghiệm 4G với tốc độ nhanh hơn hẳn so với 3G.
Một trong những cách tiếp cận 4G khá hiệu quả đang được các nhà mạng áp dụng đó là việc triển khai đổi sim 4G miễn phí cho khách hàng trên toàn quốc. Một số nhà mạng như VinaPhone, Viettel còn nhắn tin tới các thuê bao thông báo việc đổi sim miễn phí và sẵn sàng phục vụ tại nhà nếu khách hàng bận không tới được điểm giao dịch. Thực tế triển khai cho thấy rất đông khách hàng đã tiến hành đổi sim, nhà mạng bước đầu thành công trong việc tạo điều kiện để khách hàng sẵn sàng sử dụng 4G khi có nhu cầu.
Về chi phí sử dụng dịch vụ, hiện nay những người đã đổi sim 4G hoàn toàn có thể trải nghiệm dịch vụ internet di động tốc độ cao trên nền mạng 4G, với giá cước được áp dụng như cước 3G hiện hành. Như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, khi chuyển sang 4G, người dùng có xu hướng sử dụng nhiều dữ liệu hơn, vì vậy nếu đơn giá dữ liệu giữ nguyên như 3G sẽ khiến tổng chi phí sử dụng của người dùng tăng so với trước. Đây cũng là một rào cản mà các nhà mạng cần phải vượt qua để thuyết phục người dùng chuyển lên 4G. Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có phản ánh của khách hàng về việc phụ trội cước khi dùng thử 4G.
Về vấn đề này, các nhà mạng đều đã cho biết sẽ có những gói cước 4G dành riêng, với đơn giá dữ liệu sẽ rẻ hơn 3G cho người dùng. Tuy nhiên, có lẽ phải chờ tới khi chính thức khai trương dịch vụ trên diện rộng thì các gói cước này mới được áp dụng.
Smartphone đã trở nên phổ biến nhanh chóng ở Việt Nam trong thời gian qua. Theo thông tin mới đây nhất thì hiện có khoảng 52% dân số Việt Nam đang sở hữu smartphone. Đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để 4G có thể phát triển nhanh bởi một lượng lớn người dùng đã có nền tảng nhất định về kiến thức sử dụng thiết bị số thông minh.
Với những yếu tố thuận lợi nói trên, 4G có thể sẽ nhanh chóng phát triển tại Việt Nam trong giai đoạn đầu triển khai. Còn thành công tới đâu sẽ còn phải chờ thời gian trả lời nhưng có lẽ sẽ không phải chờ tới 9 năm để đạt được con số 44 triệu người dùng như đối với 3G.
Hoàng Vũ