Tới dự có các Ông Phạm Long Trận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); Ông Vũ Tuấn Hùng– UV Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc VNPT; Ông Hoàng Huy Loạt, Chủ tịch Công đoàn Bưu điện Việt Nam; Ông Đỗ Ngọc Bình, UV Hội đồng Quản trị VNPT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, Ông Trần Mạnh Hùng, UV Hội đồng Quản trị, Bí thư đảng ủy Bưu chính Viễn thông Hà Nội, Giám đốc Viễn thông Hà Nội cùng lãnh đạo của 8 đơn vị Bưu điện, Viễn thông các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Thành phố Hà Nội.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, ngày 5/8/2008, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã triển khai phương án tổ chức,quản lý, khai thác mạng viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố Hà Nội mới. Theo đó, toàn bộ mạng viễn thông – công nghệ thông tin kèm theo các nguồn lực trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ), trên địa bàn 04 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, Hòa Bình và trên địa bàn huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc do Viễn thông các tỉnh thành quản lý, khai thác sẽ được sáp nhập vào Viễn thông Hà Nội.
Sau khi sáp nhập, toàn bộ Viễn thông Hà Tây cộng thêm bộ máy sản xuất của Viễn thông Hòa Bình tại 04 xã của huyện Lương Sơn được tổ chức thành Công ty Điện thoại Hà Nội 3, trở thành đơn vị kinh tế trực thuộc Viễn thông Hà Nội. Công ty Điện thoại Hà Nội 3 sẽ được cơ cấu tổ chức thống nhất theo mô hình tổ chức sản xuất của 02 Công ty Điện thoại Hà Nội 1 và 2 trực thuộc Viễn thông Hà Nội. Phần Trung tâm Viễn thông huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc sẽ sáp nhập trở thành một trung tâm Viễn thông thuộc Công ty Điện thoại Hà Nội 1 của Viễn thông Hà Nội.Tổng số CBCNV được bàn giao lại cho Viễn thông Hà Nội là 846 người.
Như vậy, từ ngày 1/10/2008, bộ máy tổ chức của Viễn thông Hà Nội sẽ chính thức bao gồm 5 Công ty, 3 trung tâm và 13 đơn vị phòng ban khối quản lý với hơn 4500 CBCNV, có địa bàn hoạt động rộng lớn trên 3.300 km2.Đặc điểm địa bàn của Hà Tây (cũ) và các khu vực mới sáp nhập vào Viễn thông Hà Nội là một địa bàn rộng lớn với mật độ sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet trên 100 dân còn rất nhỏ so với địa bàn Hà Nội cũ. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa phận Hà Nội mở rộng là rất lớn. Chính đặc điểm này tạo cho Viễn thông Hà Nội một hướng phát triển mới trong giai đoạn định hướng những năm tiếp theo.
Lễ bàn giao thực hiện phương án tổ chức sản xuất kinh doanh Bưu chính viễn thông trên địa bàn TP Hà Nội là một sự kiện lớn, sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực Bưu chính Viễn thông ở Thủ đô Hà Nội. Từ đây, Bưu chính Viễn thông Hà Nội sẽ được hoạt động trên địa bàn rộng lớn hơn, tiềm năng hơn với những cơ hội mới nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách mới.