Hotline:
18001166
GIỚI THIỆU
DỊCH VỤ
PHÓNG SỰ ẢNH VIDEO Nội bộ

II. CÔNG TÁC THÔNG TIN LIÊN LẠC TỪ SAU CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945 ĐẾN NĂM 1954.

II.1. Thông tin liên lạc phục vụ xây dựng chính quyền nhân dân

Ngày 19/8/1945, sau khi chiếm lĩnh được Bưu điện trung tâm ở Hà Nội, ta đã tổ chức ngay hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cách mạng, xây dựng chính quyền nhân dân. Bưu điện trung tâm Hà Nội gọi là Nhà Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Tại đây, hồi 7 giờ 35 phút, ngày 17 tháng 1 năm 1946, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân, viên chức Bưu điện.

Bức phù điêu diễn tả cảnh Bác Hồ đến thăm Bưu điện Bờ Hồ năm 1946

     Từ ngày Cách mạng tháng Tám tới ngày Toàn quốc kháng chiến, Bưu điện Trung ương Bờ Hồ đã đáp ứng kịp thời những yêu cầu về thông tin liên lạc phục vụ bầu cử Quốc hội, xây dựng chính quyền nhân dân, dẹp thù trong, chống giặc ngoài... Bưu điện Trung ương Bờ Hồ đã phát tín hiệu mệnh lệnh của Bộ trưởng bộ Quốc phòng gửi toàn quân, toàn dân thực hiện lời kêu gọi “Toàn Quốc kháng chiến ” của Hồ Chủ Tịch. Tại đây, trong các ngày 19-20/12/1946 đã diễn ra trận chiến đấu quyết tử giữa Tự vệ Bưu điện cùng Vệ Quốc đoàn chống lại nhiều đợt tấn công của quân đội thực dân Pháp hòng chiếm lĩnh nhà Bưu điện. Hai chiến sĩ tự vệ Bưu điện đã hy sinh anh dũng là Nguyễn Văn Hùng và Công Khắc Nhẫn.

Trận chiến đấu bảo vệ nhà Bưu điện Trung ương Bờ Hồ ngày 19, 20/12/1946 được phác thảo lại tại phòng truyền thống Bưu điện Hà Nội.

Máy điện báo Huy gơ dùng để truyền những mệnh lệnh cách mạng và những mệnh lệnh kháng chiến toàn quốc tháng 12/1946.

Chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng đã giao cho đồng chí Tô Hữu Hạnh làm Trưởng ban Vô tuyến điện trung ương, vận động một số công nhân kỹ thuật sưu tầm máy cũ và tận dụng những thiết bị vô tuyến điện thu được từ máy bay của Pháp bị bắn rơi tại Hà Nội, tự lắp ráp được sáu máy thu phát vô tuyến điện phục vụ cho những ngày đầu toàn Quốc kháng chiến tại Hà Nội và cả thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bước vào cuộc kháng chiến, các cơ sở bí mật chỉ đạo điều hành kháng chiến đã được thành lập trong nội và ngoại thành Hà Nội, theo đó các cơ sở giao thông liên lạc cũng được thiết lập.

II.2. Phục vụ lãnh đạo kháng chiến thắng lợi

     Cuối năm 1947, địa giới hành chính kháng chiến được sáp nhập hai tỉnh Hà Nội và Hà Đông thành tỉnh Lưỡng Hà thuộc khu III. Trưởng ban Giao thông tỉnh Lưỡng Hà là đồng chí Vũ Văn Quý. Các tổ chức giao thông liên lạc phục vụ kháng chiến được thành lập bên cạnh hoạt động của các tổ chức lãnh đạo như: Ban giao thông của Đảng, Ban giao thông kháng chiến và Bưu điện thuộc chính quyền... do thực tiễn đòi hỏi cần có sự thống nhất, nên tháng 11/ 1949 tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã có nghị quyết sáp nhập Ban giao thông của Đảng, Ban giao thông kháng chiến và Bưu điện thành Ty Bưu điện đặc biệt khu Hà Nội do đồng chí Lê Quang Thảo làm trưởng Ty.

Máy điện thoại vỏ bằng gỗ mít sản xuất theo sáng kiến của đồng chí Châu Văn Huy kính dâng chủ tịch Hồ Chí Minh trong dịp sinh nhật của Người (1947)

Một trong những đài thông tin vô tuyến điện của Hà Nội trong vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp (1948-1950)

    Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, lực lượng giao thông viên Hà Nội đã phải vượt qua mạng lưới đồn bốt, trạm gác dầy đặc cùng các lực lượng cảnh binh, mật thám phòng Nhì của Pháp và nguỵ quyền, nhiều người đã bị bắt, tù đầy hoặc đánh đập dã man, 45 người đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Hệ thống giao thông bưu điện lúc đó đã đáp ứng được yêu cầu của cuộc kháng chiến trường kỳ của Dân tộc nói chung và cuộc kháng chiến của quân dân Thủ đô nói riêng. Ghi một mốc son sáng ngời trong lịch sử truyền thống ngành Bưu điện.

     Ngày 10/10/1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, Thủ đô Hà Nội được giải phóng. Chính trong ngày này, những người làm công tác thông tin liên lạc cách mạng đã được tiếp quản Bưu điện Hà Nội trong đó có mạng lưới thông tin điện báo điện thoại do người Pháp để lại. Sau này ngày 10/10/1954 được coi là ngày thành lập Bưu điện TP Hà Nội. Đồng chí Vũ Văn Quý, cán bộ Nha Bưu điện - Vô tuyến điện Việt Nam lúc đó được Uỷ ban Quân chính thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ tiếp quản ngành Bưu điện và Vô tuyến điện đã ký biên bản bàn giao trong Lễ tiếp quản ngành Bưu điện và Vô tuyến điện tại số 4 phố Phạm Ngũ Lão-Hà Nội.

Lễ bàn giao giữa Sở Bưu điện Bắc phần và Bưu điện Cách mạng do đ/c Vũ Văn Quý làm trưởng đoàn tại số 4 - Phạm Ngũ Lão - Hà Nội trước ngày tiếp quản Thủ đô 10 - 10 -1 954

Các đại biểu dự Lễ tiếp quản Bưu điện Hà Nội 10/10/1954

     Bưu điện Hà Nội lúc đó có tên gọi là Sở Bưu điện và Vô tuyến điện Hà Nội, cơ sở vật chất do Pháp để lại gồm có: nhà Bưu điện trung tâm Bờ Hồ và 3 bưu cục: Bạch Mai, Ngã Tư sở và ga Hàng Cỏ. Một tổng đài điện thoại 1.500 số và khoảng 600 máy thuê bao. Một phòng khai thác điện báo, một số máy thu phát vô tuyến công suất nhỏ. Sáng 11/10/1954, phòng Giao dịch Bờ Hồ đã mở cửa phục vụ nhân dân.