Hotline:
18001166
GIỚI THIỆU
DỊCH VỤ
PHÓNG SỰ ẢNH VIDEO Nội bộ

V. THÔNG TIN THỜI KỲ TỪ 1976 ĐẾN 1990

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975), việc đẩy mạnh phát triển kinh tế trở thành nhiệm vụ hàng đầu, đòi hỏi mạng lưới ngành Bưu điện, đặc biệt là mạng điện thoại phải phát triển nhanh để phục vụ. Trong khi đó, mạng lưới thông tin ở Hà Nội phần lớn xây dựng từ thời Pháp thuộc, chất lượng đã xấu lại trải qua nhiều lần bị đánh phá hư hại nên càng xuống cấp nghiêm trọng, khi đó Bưu điện Hà Nội phải đối mặt với muôn vàn những khó khăn và thử thách mới.

     Khó khăn nhất về thông tin trên địa bàn Thành phố thời gian này là vấn đề điện thoại. Mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi xí nghiệp đều đòi hỏi phải có máy điện thoại, đặc biệt là các cơ quan ngoại giao. Trong khi đó, tổng đài chính đã gần hết số. Từ 1976 – 1980, tổng đài chính của Hà Nội vẫn chỉ có 6000 số, lại tổ chức theo đơn trạm, tất cả tập trung ở tổng đài 75 Đinh Tiên Hoàng . Chất lượng mạng cáp đã quá xấu. Số yêu cầu lắp đặt điện thoại không có khả năng giải quyết lên đến hàng ngàn máy; Tổng đài điện thoại được mở rộng hệ thống tổng đài cơ quan, tổng đài khu vực và tổng đài liên cơ. Do vậy số lượng tổng đài tăng phụ tăng lên nhanh chóng. Do phát triển tổng đài phụ, số máy phải gọi qua trung gian tăng lên, hơn thế thiết bị lại không đồng bộ, có loại từ thạch, có loại tự động, loại cộng điện nên chất lượng càng không tốt; Mặc dù công việc bảo dưỡng được tăng cường, nhưng tình trạng thiếu thông tin điện thoại vẫn là vấn đề nóng bỏng nhiều năm.

     Từ năm 1975 đến 1990, Bưu điện Hà Nội vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa từng bước bắt tay vào xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho mạng lưới.

     Năm 1978, nhà Bưu điện 5 tầng thuộc khu vực 75-Đinh Tiên Hoàng với sự giúp đỡ xây dựng và trang bị thiết bị thông tin của Trung Quốc đã hoàn thành và đưa vào khai thác.

Nhà Bưu điện 5 tầng 75 Đinh Tiên Hoàng được xây dựng năm 1978

Chiếc đồng hồ Bưu điện quen thuộc với người dân Thủ đô Hà Nội được xây dựng trên nóc toà nhà 5 tầng 75 Đinh Tiên Hoàng từ năm 1978.

Hội thi điện thoại viên giỏi tại Đài đường dài năm 1978

Mở rộng thiết bị, tăng thêm năng lực phục vụ thông tin đường dài (1978)

   Từ 1980 ngành Bưu điện đầu tư và được sự giúp đỡ của Liên Xô (Liên bang Nga ngày nay) nhiều tuyến hướng Viba Bắc Nam, nhiều tuyến cáp đồng trục Hà Nội -Bắc, Nam; Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Quảng Ninh.... Đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen được xây dựng và hoàn thành đã tăng cường đáng kể các đường thông tin từ Hà Nội đi các tỉnh trong Nước và đi Quốc tế.

   Trong thập kỷ này, có những năm nền kinh tế Việt Nam đã suy thoái tột cùng, lạm phát với tốc độ phi mã đến 3 con số. Đời sống nhân dân nói chung và cán bộ, công nhân, viên chức nói riêng cực kỳ khó khăn. Thời kỳ này địa giới Hà Nội đã mở rộng gồm 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ) 12 huyện, thị (Đông Anh, Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây), (Đến năm 1992 tách trả 2 tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phú 7 huyện, thị: Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì và thị xã Sơn Tây). Vượt qua những khó khăn, mạng lưới viễn thông vẫn được phát triển: mở rộng các tuyến cáp, tuyến dây trần. Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến được phát động thi đua sôi nổi trong đội ngũ những người làm công tác viễn thông ở Hà Nội. Tại tổ Điện báo thuê bao, công nhân sửa chữa máy Tê lê típ Tạ Văn Vinh đã có sáng kiến cải tiến đồng hồ đo điện để đo chế độ dòng điện của máy Tê lê típ. Sáng kiến được giải thưởng tại Hội thi sáng tạo các Nước xã hội chủ nghĩa ở Matscơva (Thủ đô Liên Xô cũ, nay là Liên bang Nga) năm 1982.

     Năm 1983 thành lập phòng Bưu điện I phục vụ thông tin của Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội; Năm 1984, mạng lưới thông tin ở Thủ đô tiếp tục được tập trung đẩy mạnh; đã hoàn thành nhiều công trình thông tin cả trong nội thành và ngoại thành: 93,5km cáp chôn, 32 km đường cột xi măng, 82 km đôi dây trần trên các tuyến thông tin; lắp đặt tổng đài tự động 600 số cho Bưu điện Bạch Mai, 400 số cho Bưu điện Đông Anh, 400 số cho Bưu điện Hoài Đức, 200 số cho Bưu điện Sơn Tây, tăng cường máy nổ cho khu vực 75 Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo cung cấp nguồn điện liên tục cho khu vực trung tâm;

     Năm 1986, CBCNV Bưu điện Hà Nội tự lắp đặt tổng đài điện thoại tự động 3000 số, nâng tổng dung lượng lên 9000 số trong toàn Thành phố Hà Nội. Đây là lần đầu tiên tổng đài chính trên địa bàn Hà Nội được nâng cấp một bước lớn về dung lượng sau nhiều năm dừng lại ở con số 6000 số.

Lắp đặt tổng đài điện thoại tự động 3000 số đầu tiên tại Hà Nội.

   Về thông tin quốc tế: đã phối hợp lắp đặt tổng đài điện thoại bán tự động đường dài Hà Nội – Maxcơva; Thiết lập đường điện báo Gentex Hà Nội – Bucaret (Rumani) và Hà Nội – Beclin (CHDC Đức).

     Bước vào công cuộc đổi mới, thông tin liên lạc là ngành thuộc hạ tầng cơ sở, ngành Bưu điện đã đi tiên phong mở cửa hội nhập Quốc tế, tiếp thu những công nghệ hiện đại. Ngày 20/10/1989, tổng đài điện báo TELEX – ALFA.V dung lượng 1024 số với công nghệ kỹ thuật số (Digital) đầu tiên đã đưa vào khai thác tại Hà Nội.