Hotline:
18001166
GIỚI THIỆU
DỊCH VỤ
PHÓNG SỰ ẢNH VIDEO Nội bộ

VI. MẠNG VIỄN THÔNG HÀ NỘI TỪ 1990 ĐẾN 2007

   Kể từ năm 1990, những bước đi đột phá của ngành Bưu điện đã làm thay đổi toàn diện hệ thống thông tin liên lạc Việt Nam. Đặc biệt tại Hà Nội, nhiều thiết bị hiện đại, nhiều loại hình dịch vụ mới được đưa vào mạng lưới.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam Đặng Văn Thân phát biểu tại Lễ khánh thành Hệ thốngTtổng đài điện tử E 10B

   Ngày 15/11/1990, tổng đài điện thoại E.10B của hãng ALCATEL (Pháp) dung lượng 15.000 số, công nghệ kỹ thuật số đầu tiên được đưa vào khai thác tại Hà Nội. Chỉ 2 năm sau đó, toàn bộ hệ thống tổng đài điện thoại cũ với công nghệ kỹ thuật tương tự (Analog) thuộc mạng lưới điện thoại ở Hà Nội đã được thay mới bằng hệ thống tổng đài kỹ thuật số, đáp ứng tốt nhất những nhu cầu về thông tin điện thoại cho sự chỉ đạo điều hành nền kinh tế cũng như đời sống xã hội.

Sơ đồ mạng lưới Bưu điện TP. Hà Nội tháng 12 năm 1990

   Năm 1990, Đài thông tin vệ tinh mặt đất INTELSAT-A với sự giúp đỡ của chuyên gia Úc đã đưa vào khai thác giúp mở rộng các đường thông tin với các nước trên khắp các Châu lục.

 Năm 1993, hệ thống nhắn tin Hà Nội-ABC hợp tác với Hồng Kông được đưa vào sử dụng tại Hà Nội.

 Cũng trong năm 1993 dịch vụ giải đáp thông tin qua điện thoại 108 và Niên giám điện thoại những trang vàng được triển khai hoạt động. Điện thoại dùng thẻ (Cardphone) hoạt động năm 1994.

Tổng đài 108 Hà Nội ra đời năm 1993

Năm 1994, ngành Bưu điện hợp tác với hãng ALCATEL đưa vào hoạt động mạng điện thoại di động đầu tiên tại Hà Nội. Năm 1996, Bưu điện Hà Nội đã phối hợp với các chuyên gia và các đơn vị lắp đặt hệ thống điện thoại di động Việt Nam khu vực Hà Nội với 1 tổng đài trung tâm, 12 trạm BTS và đưa vào khai thác, sử dụng từ 26/6/1996.

     Sự kiện lớn trong năm 1996 được ghi vào lịch sử phát triển mạng lưới viễn thông của ngành Bưu điện Việt Nam là đổi số toàn bộ mạng điện thoại quốc gia diễn ra đêm 29 tháng 2, sáng 01/3/1996. Lần đổi số này đã tăng gấp 10 lần dung lượng tổng đài để đảm bảo đủ dung lượng cho kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2 (1996 – 2000) của ngành. Tại Hà Nội, vào 00h00 ngày 1/3/1996 đã đổi số thành công, đảm bảo an toàn thông tin mạng lưới.

     Bằng những bước đột phá về công nghệ thông tin với mục tiêu “Số hoá và tin học hoá”, Hà Nội đã đi đầu toàn ngành trong lĩnh vực đưa công nghệ kỹ thuật số và các loại hình dịch vụ mới trong thông tin liên lạc vào phục vụ những nhiệm vụ chính trị và đời sống nhân dân.

     Trải qua 2 giai đoạn tăng tốc lần thứ nhất 1990 – 1995, và lần thứ hai 1996 – 2000, đội ngũ những người làm công tác viễn thông trong Bưu điện Hà Nội đã kịp thời từng bước tháo gỡ những vướng mắc, hoàn toàn làm chủ các thiết bị thông tin vừa đảm bảo thông tin liên lạc để phục vụ tốt, vừa kinh doanh tốt. Một trong những thành tựu quan trọng trong giai đoạn đổi mới này là mạng lưới viễn thông, công nghệ thông tin được phát triển đa dạng về dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

     Năm 1993, Bưu điện Hà Nội là đơn vị thử nghiệm mạng điện thoại di động GSM đầu tiên trong cả nước (Mobifone), và năm 1996 tiếp tục khai trương mạng điện thoại di động thứ 2 (Vinaphone).

     Ngày 26/6/1996, mạng điện thoại di động Việt Nam (Vinaphone) đã chính thức hoạt động. Đến hết năm 1996, đã có 2.620 máy điện thoại di động vinaphone hoạt động trên mạng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực và phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cắt băng khai trương dịch vụ điện thoại di động Việt Nam Vinaphone (năm 1996)

   Tiếp theo sau dịch vụ điện thoại di động Vinaphone, ngày 01/12/1997, dịch vụ Internet cũng được khai trương. Đây là điểm khởi đầu quan trọng trong sự phát triển của mạng lưới công nghệ thông tin tại Hà Nội, vươn tới mục tiêu hòa nhập với sự phát triển công nghệ thông tin thế giới;

Lễ Khai trương dịch vụ INTERNET (năm 1997)

Tổng cục trưởng tổng cục Bưu điện Mai Liêm Trực gọi thử nghiệm tại Lễ Khai trương điện thoại dùng thẻ toàn quốc 10/10/1999

     Sau các giai đoạn tăng tốc, mạng lưới viễn thông Hà Nội vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng không ngừng về số lượng thuê bao điện thoại các mạng và sản lượng các cuộc điện thoại. Nếu như năm 1990, Hà Nội chỉ phát triển được 1200 máy điện thoại, thì đến hết năm 1999 đã phát triển được 56.700 máy, tăng 47 lần so với năm đầu tiên thực hiện chiến lược tăng tốc. Chính vì vậy, doanh thu của Bưu điện TP Hà Nội cũng tăng lên rất nhanh: từ 25 tỷ đồng năm 1990 lên tới 1510 tỷ đồng năm 1999, gấp hơn 60 lần so với năm đầu thực hiện chiến lược tăng tốc. Năm 2006, để phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển của nền kinh tế đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Sau đó Thủ tướng cũng quyết định về việc tổ chức kinh doanh mạng viễn thông nội hạt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trên địa bàn Hà Nội.

     Đến hết năm 2007, mặc dù chịu sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn, mạng lưới viễn thông của Bưu điện TP Hà Nội đã có gần 1 triệu thuê bao điện thoại cố định, hơn 100 ngàn thuê bao MegaVNN và MeagaWan, hàng trăm ngàn thuê bao cityphone, truyền số liệu… Doanh thu của Viễn thông Hà Nội vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong Bưu điện TP Hà Nội: 2465 tỷ đồng/ tổng doanh thu 2662 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, xu thế hội nhập giữa viễn thông – tin học – truyền thông và xu thế toàn cầu hoá dịch vụ vừa là cơ hội, vừa là những thách thức lớn đặt ra cho Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng như tập thể những người làm công tác viễn thông ở Bưu điện TP Hà Nội. Nhiệm vụ phát triển một mạng viễn thông bền vững, đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục hiện đại hoá mạng lưới đòi hỏi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông phải có phương án đổi mới tổ chức hoạt động kinh doanh để phù hợp với đặc điểm nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế.

Viễn thông Hà Nội chính thức được thành lập:

     Ngày 6/12/2007, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã có quyết định số 625/QĐ-TCCB/HĐQT về việc chính thức thành lập Viễn thông Hà Nội.

    Theo đó, Viễn thông Hà Nội là doanh nghiệp được chia tách từ Bưu điện TP Hà Nội (cũ). Sau hơn nửa thế kỷ thành lập và phát triển, kể từ ngày 1/1/2008 Bưu điện TP Hà Nội (cũ) đã chính thức được chia tách thành 2 pháp nhân mới, đó là Bưu điện TP Hà Nội (mới) và Viễn thông Hà Nội. Đây là kết quả của tiến trình đổi mới tổ chức tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam theo chủ trương của Nhà nước về việc tổ chức mô hình Tập đoàn và chia tách bưu chính viễn thông, nhằm tạo điều kiện cho kinh doanh bưu chính, viễn thông cùng phát triển, kịp thời thích ứng với môi trường cạnh tranh, hội nhập.

Ký bàn giao giữa Bưu điện TP Hà Nội với Bưu điện TP Hà Nội và Viễn thông Hà Nội

     Theo quyết định phê duyệt của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Viễn thông Hà Nội là đơn vị kinh tế trực thuộc hạch toán phụ thuộc Tập đoàn, có chức năng hoạt động sản xuất kinh doanh và phục vụ chuyên ngành viễn thông – công nghệ thông tin : đó là tổ chức xây dựng, quản lý vận hành, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa mạng viễn thông- công nghệ thông tin; cung cấp dịch vụ viễn thông hệ 1; tổ chức phục vụ thông tin đột xuất theo yêu cầu của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương; tư vấn khảo sát, thiết kế các công trình viễn thông- công nghệ thông tin; kinh doanh vật tư, thiết bị viễn thông- CNTT; kinh doanh các ngành nghề khác trong phạm vi được Tập đoàn BC-VT VN cho phép và phù hợp với quy định của Pháp luật.

     Sự kiện chính thức thành lập Viễn thông Hà Nội đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của Viễn thông Thủ đô. Với vị trí hoạt động độc lập, Viễn thông Hà Nội có khả năng nhận biết rõ hơn thế mạnh, hạn chế của mình để tìm ra những giải pháp cụ thể, sát với điều kiện kinh doanh trong môi trường cạnh tranh - đó chính là cơ hội để được cạnh tranh lành mạnh, hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế nước ta.

     Một sự kiện đáng nhớ đối với Viễn thông Hà Nội là ngày 30/9/2008, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký biên bản bàn giao thực hiện phương án tổ chức sản xuất kinh doanh Bưu chính viễn thông trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là lễ ký biên bản bàn giao giữa Bưu điện, Viễn thông các tỉnh Hà Tây (cũ), Vĩnh Phúc, và Hòa Bình với Bưu điện, Viễn thông Hà Nội để thực hiện phương án tổ chức SXKD Bưu chính Viễn thông trên địa bàn TP Hà Nội mở rộng sau sáp nhập.

Lễ ký biên bản bàn giao sáp nhập bộ máy viễn thông Hà Tây vào Hà Nội

     Sau khi sáp nhập, toàn bộ Viễn thông Hà Tây cộng thêm bộ máy sản xuất của Viễn thông Hòa Bình tại 04 xã của huyện Lương Sơn được tổ chức thành Công ty Điện thoại Hà Nội 3, trở thành đơn vị kinh tế trực thuộc Viễn thông Hà Nội. Công ty Điện thoại Hà Nội 3 sẽ được cơ cấu tổ chức thống nhất theo mô hình tổ chức sản xuất của 02 Công ty Điện thoại Hà Nội 1 và 2 trực thuộc Viễn thông Hà Nội. Phần Trung tâm Viễn thông huyện Mê Linh – Vĩnh Phúc sẽ sáp nhập trở thành một trung tâm Viễn thông thuộc Công ty Điện thoại Hà Nội 1 của Viễn thông Hà Nội. Tổng số CBCNV được bàn giao lại cho Viễn thông Hà Nội là 846 người.

     Như vậy, từ ngày 1/10/2008, bộ máy tổ chức của Viễn thông Hà Nội chính thức bao gồm 5 Công ty, 3 trung tâm và 13 đơn vị phòng ban khối quản lý với hơn 4500 CBCNV, có địa bàn hoạt động rộng lớn trên 3.300 km2. Đặc điểm địa bàn của Hà Tây (cũ) và các khu vực mới sáp nhập vào Viễn thông Hà Nội là một địa bàn rộng lớn với mật độ sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet trên 100 dân còn rất nhỏ so với địa bàn Hà Nội cũ. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển kinh doanh dịch vụ bưu chính viễn thông trên địa phận Hà Nội mở rộng là rất lớn. Chính đặc điểm này tạo cho Viễn thông Hà Nội một hướng phát triển mới trong giai đoạn định hướng những năm tiếp theo.

     Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trên Thế giới, khi mối liên kết, giao lưu giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đang ngày càng được thắt chặt, thì Viễn thông Hà Nội càng trở thành một mắt xích liên lạc quan trọng giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Hơn thế nữa, Viễn thông Thủ đô còn là nhịp cầu nối tình cảm không thể thiếu của nhân dân Hà Nội với nhân dân khắp các miền đất nước. Viễn thông Hà Nội hôm nay càng nhận thức rõ nhiệm vụ trọng yếu trong kinh doanh và phục vụ của mình. Nhìn lại mức tăng trưởng của thuê bao viễn thông trên mạng Viễn thông Hà Nội 5 năm qua, có thể nhận thấy sự nỗ lực của toàn thể CBCNV Viễn thông Hà Nội:

TĂNG TRƯỞNG THUÊ BAO VIỄN THÔNG TRÊN MẠNG VIỄN THÔNG HÀ NỘI TỪ 2005 - 2009

Trong đó

THUÊ BAO ĐIỆN THOẠI

THUÊ BAO ADSL

     Tiếp nối truyền thống anh hùng của Bưu điện TP Hà Nội hơn nửa thế kỷ qua, Viễn thông Hà Nội hôm nay đang từng bước trưởng thành và phát triển bền vững. Những thành tựu đạt được trong những năm đầu chính thức thành lập đã minh chứng cho Tập thể Cán bộ và Công nhân viên Viễn thông Hà Nội rằng họ đã thực sự kế thừa và phát huy tốt những thành quả to lớn của Bưu điện Thủ đô. Trong thời gian tới, với truyền thống tốt đẹp đó, với tiềm năng vững chắc đó, bằng sức mạnh của sự sáng tạo và đoàn kết, tập thể CBCNV Viễn thông Hà Nội quyết tâm xây dựng mạng lưới viễn thông Thủ đô phát triển hiện đại và bền vững, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội xứng ngang tầm với Thủ đô các nước trong khu vực và trên thế giới.